Năm 2016, tổng số nợ phải trả của các DNNN là 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2011. Ảnh: Gia Khoa |
Nợ tăng
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2016, có 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo số liệu báo cáo hợp nhất năm 2016, quy mô tổng tài sản của các DNNN là 3.053.547 tỷ đồng, tăng 45,8% so với năm 2011 với tổng vốn chủ sở hữu là 1.398.183 tỷ đồng, tăng 92,2% so với năm 2011; tổng số nợ phải trả của các DNNN là 1.628.649 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2011 (1.292.400 tỷ đồng) và các khoản phải thu của các DNNN là 384.310 tỷ đồng, tăng 29,6% so với năm 2011.
Số liệu tại báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước có tổng vốn chủ sở hữu là 1.239.422 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2011. Mức tăng bình quân năm cả giai đoạn 2011 - 2016 theo số liệu báo cáo của công ty mẹ là 11%. Xét tổng thể, các tập đoàn, TCT nhà nước bảo toàn được vốn chủ sở hữu, hệ số bảo toàn vốn bình quân là 1,038 lần, vốn chủ sở hữu DN sử dụng cho hoạt động kinh doanh chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vốn kinh doanh của DN.
Về việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước (NSNN) của DNNN, theo báo cáo hợp nhất, nộp ngân sách phát sinh năm 2016 là 251.845 tỷ đồng (chiếm 24,82% trong tổng cân đối thu NSNN năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng), tăng 18% so với năm 2011.
Tuy nhiên, con số nợ của các DNNN là điều đáng cảnh báo. Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ phải trả theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, TCT nhà nước năm 2016 là 1.517.461 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2011.
Hiệu quả kinh doanh thấp
Việc quản lý, sử dụng tài sản của DN (bao gồm quyền sử dụng đất) về cơ bản được thực hiện theo pháp luật quy định, nhưng qua công tác thanh tra, kiểm toán cho thấy, các DNNN vẫn còn sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản, tập trung ở một số khâu như thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản cố định; hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh không đúng thực tế; trình độ quản lý DN yếu kém; huy động, quản lý, sử dụng vốn dàn trải, một số dự án đầu tư ngoài ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao.
Ngoài ra, các DNNN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính. Kết quả kiểm toán cũng cho thấy hoạt động đầu tư tài chính của một số tập đoàn, TCT không hiệu quả, nhiều công ty con thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, phải giải thể. Ví như hàng loạt công ty con thuộc Vinachem lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu. Tính đến hết tháng 12/2016, lỗ lũy kế của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình lên tới 3.197 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 968 tỷ đồng; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc lỗ lũy kế 1.720 tỷ đồng; Công ty CP DAP số 2 - Vinachem lỗ lũy kế 1.066 tỷ đồng…
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của một số tập đoàn, TCT cũng không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro thua lỗ, mất vốn cao. Có thể kể đến hàng loạt dự án do TKV đầu tư ra nước ngoài đối mặt nguy cơ thua lỗ, mất vốn, như khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Phu Nhoun, Bản Nato (Lào); khai thác và chế biến muối mỏ tại khu vực bản Đông Doc Mai, khảo sát thăm dò khoáng sản Crom - Antimon tại tỉnh Pousat (Campuchia); khai thác và chế biến tinh quặng bauxite công suất 300.000 tấn/năm tại tỉnh Mondulkiiri (Campuchia)...
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, giai đoạn 2011 - 2016, hiệu quả hoạt động của DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực, tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%). Doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm); năm 2016, tổng số nợ phải trả tăng 26% so với năm 2011 (từ 1,3 triệu tỷ đồng lên 1,6 triệu tỷ đồng).
Ông Vũ Tiến Lộc (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, kết quả yếu kém, thua lỗ của DNNN là một thực trạng đáng buồn bởi các DN này lẽ ra phải đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt thì nay lại đang ở vị trí “khóa đuôi”. “Năm 2016 các DNNN đã phải bỏ ra gần 10 đồng vốn đầu tư mới để thu được 1 đồng tăng trưởng, cao gấp 2 lần so với chỉ tiêu 5 đồng của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài và cao gấp 1,5 lần so với mức trên 6 đồng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước”, ông Lộc so sánh.