Tổng nguồn thu từ thuế BVMT với xăng dầu nếu nâng lên kịch khung đề xuất có thể đạt 110.000 tỷ đồng, gấp 3 hiện tại. |
Trình bày công phu nhưng chưa thuyết phục
Trong một cuộc họp báo của Bộ Tài chính diễn ra mới đây, bộ này đã lý giải khá dài về việc đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 1.000 – 4.000 đồng/lít hiện tại lên 3.000 – 8.000 đồng/lít.
Riêng tài liệu được Bộ Tài chính cung cấp cho báo giới đã dài tới 7 trang A4. Lý do gói gọn lại là để bù đắp nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khi các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm theo lộ trình hội nhập, trong khi đó, giá xăng dầu của Việt Nam lại đang được đánh giá rẻ hơn so với 136 nước trên thế giới.
Ngoài ra, trước những thắc mắc của dư luận lâu nay rằng “thuế BVMT tăng liệu có nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường hay không?”, tại buổi họp báo này, vị đại diện Bộ Tài chính đã nói thẳng rằng: Thuế BVMT nhưng không phải chỉ làm nhiệm vụ chi BVMT mà được chi theo Luật Ngân sách Nhà nước, như đầu tư cho các nhà máy xử lý nước thải (bảo vệ môi trường nước), đầu tư xây dựng đường sá (chống bụi bặm)… Bộ Tài chính cho rằng, những khoản chi này cũng đã góp phần gián tiếp vào việc bảo vệ môi trường.
Vị này còn quả quyết thêm, tuy rằng cấp thiết phải nâng “khung” thuế suất, nhưng quyết định này sẽ chưa tác động gì đến giá xăng dầu cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), phải đến khi điều chỉnh “mức” thuế cụ thể thì mới có tác động.
Có thể thấy, Bộ Tài chính dường như đã lắng nghe dư luận và đã rất công phu trong việc phản hồi ý kiến báo giới với những luận điểm có vẻ rõ ràng, nhưng, sau tất cả, Bộ vẫn bảo vệ đến cùng đề xuất của mình mà lý do đưa ra vẫn chưa thuyết phục.
Thứ nhất, khi dẫn chứng giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn các nước có chung đường biên giới và nhiều nước trong khu vực, Bộ Tài chính so sánh với Lào, Campuchia… là những nước vốn không có tài nguyên về dầu mỏ và phải hoàn toàn nhập khẩu xăng dầu.
Và nếu nói, do giá xăng dầu trong nước thấp hơn những nước này sẽ làm tăng nguy cơ thẩm lậu, buôn lậu xăng dầu qua biên giới thì đây là trách nhiệm của cơ quan hải quan, cơ quan chống buôn lậu, chứ không phải là trách nhiệm mà người dân phải gánh vác.
Chưa kể, nếu so sánh với Singapore hay với Hồng Kông, thì dư luận nói chung cũng sẽ không thể đồng tình vì mức sống, thu nhập đầu người của những người dân nước này cao hơn hẳn Việt Nam, sức chịu đựng của nền kinh tế lớn hơn.
Thứ hai, việc tăng “khung thuế” lên mức 3.000-8.000 đồng/lít, rõ ràng, trước mắt đúng như Bộ Tài chính lập luận sẽ chưa thể tác động đến giá xăng dầu và doanh nghiệp, nhưng khi đưa vào luật, “khung” thuế suất chính là cơ sở pháp lý để tăng “mức” thuế. Và một khi đã được thông qua thì việc đưa mức thuế BVMT lên kịch khung 8.000 đồng/lít xăng chỉ là vấn đề thời gian – nên không thể nói là không tác động, thậm chí là tác động sẽ rất lớn!
Doanh nghiệp lo gánh chi phí đầu vào lớn khi thuế BVMT với xăng dầu tăng mạnh.
Thế nào là “lợi ích quốc gia”?
Thứ ba, Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh tình hình giá dầu thế giới biến động, thuế suất nhập khẩu giảm, ngân sách bị ảnh hưởng, nếu không tăng thuế BVMT thì “lợi ích quốc gia” sẽ bị ảnh hưởng.
“Lợi ích quốc gia” ở đây có thể hiểu là thu NSNN bị sụt giảm, nhưng “lợi ích quốc gia” còn là môi trường kinh doanh, là sức cạnh tranh, sức sống của hàng trăm nghìn DN trên cả nước, và còn là lợi ích của hơn 90 triệu dân đang sử dụng mặt hàng xăng dầu. Cho nên, việc đảm bảo nguồn thu NSNN là cần thiết, nhưng đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng xăng dầu cũng không thể xem nhẹ!
Một tính toán của Bộ Tài chính công bố trên Vietnamnet cho thấy, với mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) 3.000 đồng/lít với xăng; 1.500 đồng/lít với dầu diesel; 900 đồng/lít,kg với dầu mỡ nhờn như hiện tại thì tổng số thu từ thuế BVMT với xăng dầu là hơn 40.100 tỷ đồng.
Khi tăng thuế BVMT với xăng dầu lên kịch khung đề xuất (8.000 đồng/lít xăng) thì tổng nguồn thu từ thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu sẽ tăng gần gấp 3 lần hiện tại, lên tới 110.000 tỷ đồng. Đây rõ ràng là một con số không hề nhỏ. Con số này tương đương với hơn 60% tổng số thu ngân sách từ khối DN nhỏ và vừa, vốn đang chiếm 97,85% lực lượng DN hoạt động tại Việt Nam hiện nay.
Quả đúng như Bộ Tài chính nói, việc huy động nguồn thu qua thuế BVMT là một công cụ “khả thi” và “hiệu quả” và còn chủ động, bởi chỉ cần tăng mức thuế thêm vài nghìn đồng là ngân sách có thêm hàng tỷ USD. Người dân không thể không đi lại, DN không thể không có vận tải, không vận hành máy móc.
Nhưng chỉ vài nghìn đồng mỗi trên mỗi lít xăng, dầu đó là cả một sức ép lớn với DN, khi vừa phải chống chọi với hàng hóa ngoại nhập giá rẻ ùn ùn vào thị trường trong nước, lại vừa phải gồng mình để tồn tại với những biến động chi phí đầu vào. Chúng ta đặt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020, nhưng nếu không nuôi dưỡng nguồn thu, đừng nói tới số lượng mà chất lượng DN, thu ngân sách từ lực lượng chủ đạo này của nền kinh tế cũng sẽ bị tác động tiêu cực. Chưa kể niềm tin của người dân vào chính sách, niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Hãy nhìn vào cơ cấu chi ngân sách trong quý I/2017: Trong khi chi cho đầu tư phát triển (cái mà Bộ Tài chính gọi là xây đường sá, nhà máy xử lý nước thải...) chỉ đạt 44.160 tỷ đồng, bằng 12,4% dự toán thì chi thường xuyên lên tới 211.200 tỷ đồng, bằng 23,6% dự toán. Bao nhiêu năm chúng ta phấn đấu tiết giảm chi thường xuyên, kết quả vẫn là một con số khổng lồ.
Người viết thừa nhận rằng, cân đối NSNN là một bài toán khó, nhưng thay vì muốn tăng “sốc” các khoản thuế, phí thì nên chăng, bộ máy hành chính hãy giảm mạnh chi thường xuyên cho những lễ kỷ niệm thành lập rình rang, tốn kém đang diễn ra tại các địa phương, hãy giảm một cách hiệu quả khoản chi tiêu nuôi 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”; hãy đầu tư đúng nơi đúng chỗ chứ không phải “ném” hàng nghìn tỷ đồng vào những dự án “khủng” để rồi đắp chiếu và bù lỗ…
Cân đối cán cân ngân sách, bảo vệ “lợi ích quốc gia” cần cái nhìn dài hạn và toàn diện, chứ không chỉ là dăm ba tỷ đô thấy được trước mắt khi tăng mạnh thuế BVMT với xăng dầu.