Ảnh Internet |
Nơi đặt niềm tin
Một khảo sát theo dõi sự thành công của hơn 6.700 thương hiệu trong giai đoạn 16 năm của PwC cho thấy, người tiêu dùng đánh giá mức độ nổi tiếng và vai trò của các thương hiệu dựa trên tính sáng tạo, đáng tin cậy và tầm nhìn hiếm có.
Đáng chú ý, đây cũng chính là những phẩm chất tạo nên thương hiệu của người lãnh đạo DN, từ đó tác động tới góc nhìn, cách đánh giá của người tiêu dùng đối với sản phẩm và DN. Ví dụ điển hình nhất là Steve Jobs. Khi tên tuổi này được nhắc tới, người nghe ngay lập tức nhớ đến Apple. Như vậy, Steve Jobs đã trở thành một “từ đồng nghĩa” với thương hiệu Apple.
Những vị lãnh đạo DN khác đã rất thành công trong việc gây dựng thương hiệu cá nhân, từ đó làm nổi bật tên tuổi của DN, hay sản phẩm/dịch vụ mà DN cung cấp có thể kể tới Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk, Richard Branson…
Vậy thương hiệu cá nhân, nhất là thương hiệu của người lãnh đạo có vai trò quan trọng như thế nào trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm và DN?
Một thương hiệu là kỳ vọng của người tiêu dùng vào trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ mà DN cung cấp. Thương hiệu khiến người dùng tin rằng, họ sẽ có một trải nghiệm khác biệt khi lựa chọn nhãn hàng này, thay vì nhãn hàng khác. Ví dụ, tên tuổi của BMW khiến khách hàng tin rằng, mua một chiếc xe đồng nghĩa với việc sở hữu sản phẩm có thể giúp bản thân trở nên quyền lực, thành công và hấp dẫn; hay khi mua hàng tại Wal-Mart, người dùng sẽ có trải nghiệm tốt về giá…
Tuy nhiên, cùng với bước đi của thời gian, kỳ vọng của người tiêu dùng cũng thay đổi. Việc chỉ tập trung vào thương hiệu của DN/sản phẩm là chưa đủ. Khách hàng còn để ý tới gương mặt của người lãnh đạo DN. Thực tế cho thấy, con người đặt niềm tin vào người khác và họ luôn tìm kiếm một gương mặt xứng đáng để trao niềm tin, tự hào khi nói về người đó, hay sử dụng sản phẩm/dịch vụ mà cá nhân này cung cấp.
Trong bối cảnh này, tên tuổi của DN đã phần nào được định nghĩa dựa vào người lãnh đạo: Vị doanh nhân ấy là ai, ông ta tin vào điều gì, cư xử ra sao cả trong đời thực và hình ảnh trên mạng (online)? Do đó, ngày nay, công việc của một CEO không chỉ là đảm bảo cho DN hoạt động một cách thông suốt, mà còn là xây dựng và bảo vệ hình ảnh cá nhân - hình ảnh mà khách hàng có thể đặt niềm tin, trong đó, mạng xã hội là một công cụ không thể thiếu.
Cách doanh nhân hàng đầu xây dựng thương hiệu
Với các doanh nhân hiện đại, việc phát triển thương hiệu cá nhân đòi hỏi bản thân phải thiết lập vị trí như là người đi đầu trong lĩnh vực đang hoạt động và là nơi mà mọi người có thể đặt niềm tin.
Để làm được điều này trong bối cảnh công nghệ phát triển, mạng xã hội là một phần không thể thiếu. Lãnh đạo DN cần coi đây là một “sân khấu lớn” để thể hiện hết mình, nhằm thu hút sự chú ý của người dùng, hướng họ tới các sản phẩm/dịch vụ mà DN cung cấp.
Mạng xã hội mang lại cơ hội xây dựng hình ảnh, thiết lập các mối quan hệ với khách hàng trên toàn cầu. Do đó, việc tạo lập tên tuổi cá nhân trên mạng xã hội, tạo mối liên kết với nhóm khách hàng mục tiêu là đích đến mà nhiều DN cũng như các doanh nhân hướng tới. Để tìm ra hướng đi hiệu quả nhất, có thể học hỏi từ những doanh nhân nổi tiếng đã thành công trong việc gây dựng thương hiệu cá nhân.
Bill Gates: Tấm lòng nhân từ
Tấm lòng của Bill Gates - người đồng sáng lập quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới, đóng góp hơn 39,6 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện - từ lâu đã được biết đến. Tuy nhiên, hình ảnh này chưa từng gây nhàm chán, bởi thương hiệu của vị doanh nhân/nhà từ thiện này luôn được xây dựng bằng nhiều cách khác biệt.
Dễ nhận thấy, trên các tài khoản mạng xã hội của Bill Gates, nội dung được ông chia sẻ luôn là những gương mặt, những câu chuyện của nhiều người khác nhau. Bill Gates tập trung vào việc xây dựng hình tượng những cá nhân có sự tương tác với mình, tạo tính kết nối và tập trung vào con người. Cách tiếp cận này thể hiện rõ rệt định hướng đóng góp cho cộng đồng, tấm lòng ấm áp, cùng quyết tâm theo đuổi các mục tiêu xã hội của một vị doanh nhân thành đạt bậc nhất thế giới.
Richard Branson: Mẫu mực về học thức
Khi nghĩ về hình mẫu của một vị CEO, rất nhiều người lập tức nghĩ tới Richard Branson, người sáng lập Virgin Group, bao gồm hơn 400 công ty. Thương hiệu cá nhân của Branson có thể gói gọn là một doanh nhân thông minh, thành công, đầy sức hút và lạc quan. Ông xây dựng và liên tục củng cố hình ảnh này thông qua nhiều nội dung sâu sắc, tích cực, tạo động lực được chia sẻ hàng ngày.
Nếu như trên các phương tiện truyền thông, Branson gây ấn tượng bằng các phát biểu/nhận định đơn giản mà đầy sức nặng, thể hiện góc nhìn rõ ràng, kiên định, thì trên mạng xã hội, vị doanh nhân này rất biết cách thu hút sự chú ý và dẫn dụ người đọc bằng hình ảnh tươi sáng, lời dẫn thú vị và luôn đính kèm đường link tới các nội dung sâu hơn.
Thường xuyên chia sẻ hình ảnh từ các chuyến đi, sự kiện mà mình tham gia, cùng với lời dẫn dắt hấp dẫn đi kèm đường link cụ thể, Branson thể hiện mình là một con người năng nổ, đi đầu, là bằng chứng sống cho chính các lời khuyên mà mình đưa ra và biết cách thu hút lượng lớn độc giả.
Đáng chú ý, Richard Branson là đại diện thương hiệu không thể thay thế của tinh thần mà Virgin Group luôn hướng tới: sẵn sàng chấp nhận thử thách, lạc quan và mạnh mẽ.
Elon Musk: Sáng tạo không ngừng
Elon Musk đã xây dựng được thương hiệu CEO một cách xuất sắc, khi tên tuổi của ông luôn gắn liền với sự sáng tạo và tính cách “ngông” cần thiết để chấp nhận mọi rủi ro. Cũng chính bởi điều này, Tesla phần nào được định hình là doanh nghiệp công nghệ, với những bước tiến lớn làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô “già cỗi”.
Tesla luôn có chi phí khá hạn hẹp cho việc quảng cáo, nhất là khi so với các nhà sản xuất xe khác trên thị trường. Tuy nhiên, tên tuổi của hãng vẫn có sức phổ cập rộng khắp và gây ấn tượng đặc biệt. Theo giới chuyên gia, yếu tố dễ nhận thấy nhất tạo nên thành công này là thương hiệu của Elon Musk.
Elon Musk tạo dựng được niềm tin là vị lãnh đạo có đủ sức sáng tạo, sự mạnh mẽ, ý chí để phá vỡ các suy nghĩ truyền thống, biến những điều tưởng tượng trở thành thực tế. Sức sáng tạo và sẵn sàng chấp nhận rủi ro của Elon Musk tạo sức hút đáng ngạc nhiên đối với khách hàng, phần nào khuyến khích người tiêu dùng chú ý và sử dụng sản phẩm của hãng.
Mark Zuckerberg: CEO của mọi nhà
Mark Zuckerberg trở thành tên tuổi nổi tiếng trên toàn cầu nhờ sự thành công khó có thể tưởng tượng của Facebook. Vậy nhưng, giữa nấc thang danh vọng hào nhoáng, doanh nhân trẻ này quyết định kiểm soát và xây dựng hình ảnh bản thân gắn liền với tính cách hòa nhã, thân thiện và rất quen thuộc với tất cả mọi người.
Thực tế, Mark Zuckerberg là nhân vật nổi trội trên mạng xã hội, nhất là Facebook và Instagram, với các hình ảnh luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống cá nhân và công việc. Chẳng hạn, trên tài khoản Instagram của mình, CEO Facebook thường đăng tải các bức ảnh đơn giản, ngẫu nhiên, phản ánh phần nào cuộc sống công việc bận rộn và một gia đình riêng hạnh phúc bên người phụ nữ của mình.
Đáng chú ý, trong mọi bức ảnh, Zuckerberg luôn xuất hiện với bộ trang phục quen thuộc: áo phông đơn giản màu xám, vốn đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của anh. Theo đó, việc ăn mặc đơn giản giúp Zuckerberg không cần tốn quá nhiều thời gian để đưa ra các quyết định vốn không quan trọng, đảm bảo việc sử dụng năng lượng cá nhân vào các công việc khác một cách hiệu quả hơn.
Bình dân, thông dụng và phổ biến, hình ảnh của Mark Zuckerberg dễ tiếp cận với nhóm người dùng mạng xã hội lớn và đã trở thành một biểu tượng không thể thay thế của gã khổng lồ mạng xã hội này.