Thương mại “lội ngược dòng”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu (XK) lớn có dấu hiệu suy giảm tăng trưởng, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc với cán cân thương mại thặng dư gần 4 tỷ USD. Tuy vậy, đằng sau những con số này vẫn còn nhiều mối lo cần được hóa giải nhằm thúc đẩy XK bền vững.
Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Điểm sáng tăng trưởng

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/8 cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp đà khởi sắc.

Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Điểm sáng trong XK là cơ cấu nhóm hàng XK chủ yếu là công nghiệp chế biến, chiếm 89%. Thị trường XK hàng hóa lớn nhất là Hoa Kỳ, tiếp đó là Trung Quốc…

Về nhập khẩu (NK), kim ngạch NK hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu nhóm hàng NK 8 tháng qua, tư liệu sản xuất chiếm 94%.

Tổng cục Thống kê phân tích, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).

Nhìn vào các con số nêu trên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đây là kết quả đáng mừng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất lợi khi giá cả hàng hóa vẫn cao, xung đột Nga - Ukraine chưa kết thúc…

“XK tăng kéo thặng dư thương mại đạt gần 4 tỷ USD trong 8 tháng cho thấy, Chính phủ cùng các bộ, ngành, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã và đang nỗ lực đẩy mạnh XK, tận dụng tốt cơ hội mở ra từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA mới như: EVFTA, CPTPP… Thặng dư thương mại trong khó khăn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực lên tỷ giá”, ông Thành nhận xét.

Ông Lê Quốc Phương, chuyên gia thương mại nhận định: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới trùng điệp những khó khăn, thách thức, kết quả đạt được từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2022 là rất đáng khích lệ, Việt Nam tiếp tục xuất siêu. Điều này cho thấy, sức chống chịu của nền kinh tế gia tăng, DN cũng chủ động thích ứng…”.

Còn nhiều mối lo

Nhìn nhận về cán cân thương mại tháng 8 và 8 tháng, ông Thành cho rằng, dù xuất siêu nhưng còn không ít thách thức đối với XK bền vững.

Theo ông Phương, đằng sau những con số tích cực của hoạt động XK vẫn còn nhiều vấn đề, nhất là một số hạn chế tồn tại nhiều năm qua như: XK tăng mạnh nhưng mới chỉ tăng về sản lượng còn giá trị gia tăng thấp; tỷ lệ nội địa hóa thấp; XK chủ yếu thuộc về DN FDI…

Dự báo về tình hình thị trường XK từ nay tới cuối năm 2022, các chuyên gia kinh tế cũng như Bộ Công Thương nhận định, kinh tế thế giới cũng như trong nước có thể tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

“Kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, kinh tế nhiều quốc gia lớn là các thị trường XK chính của nước ta có thể xảy ra suy thoái ngắn hạn khiến DN nhập khẩu cắt, hủy đơn hàng; lạm phát có thể tiếp tục cao ở một số nền kinh tế lớn, đi kèm với điều chỉnh chính sách tiền tệ nhanh hơn, tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải, logistics, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, mà còn tiềm tàng rủi ro đến ổn định chính trị khu vực, toàn cầu… Những nguy cơ, thách thức này có thể ảnh hưởng đến hoạt động XK của DN trong nước”, ông Phương cảnh báo.

Thực tế cho thấy, hiện tượng đơn hàng của một số DN thuộc các ngành dệt may, da giầy, gỗ… của Việt Nam có dấu hiệu chững lại, sụt giảm. Một số DN khó khăn về tài chính nhưng vẫn khó tiếp cận các gói hỗ trợ.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều tin tưởng, từ nay tới cuối năm, hoạt động XK vẫn tiếp tục tăng trưởng. Bộ Công Thương cần tiếp tục hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy XK. Đặc biệt là hỗ trợ DN về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết tại các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích DN đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới…

Về phía DN, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, cần chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, đồng thời theo dõi chặt diễn biến của thị trường để kịp thời, linh hoạt thích ứng.

Tin cùng chuyên mục