Thủy điện thăng hoa, nhiệt điện gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp thủy điện ghi nhận lợi nhuận quý I/2021 tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2020 nhờ mưa nhiều, diễn biến thủy văn thuận lợi. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận hành nhà máy nhiệt điện có kết quả kinh doanh trái ngược.
Trong tổng lượng điện sản xuất và nhập khẩu quý I/2021, nguồn huy động từ thủy điện chiếm 23,24%, đạt 13,86 tỷ kWh, tăng 55,4% so với quý I/2020. Ảnh: Lê Tiên
Trong tổng lượng điện sản xuất và nhập khẩu quý I/2021, nguồn huy động từ thủy điện chiếm 23,24%, đạt 13,86 tỷ kWh, tăng 55,4% so với quý I/2020. Ảnh: Lê Tiên

Công ty CP Thuỷ điện Sê San 4A vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với doanh thu thuần gần 50 tỷ đồng, tăng gần 14%, lợi nhuận gộp 25,5 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm 55% còn hơn 7 tỷ đồng, chi phí quản lý cũng giảm 35% còn hơn 1 tỷ đồng. Qua đó, Thủy điện Sê San 4A lãi ròng 16 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần cùng kỳ năm 2020. Tính đến cuối quý I/2021, tổng tài sản của Công ty đạt 987,4 tỷ đồng với nợ phải trả chiếm 47% (tương ứng 487,6 tỷ đồng), chủ yếu là các khoản vay dài hạn.

Ngoài Thủy điện Sê San 4A, nhiều doanh nghiệp thủy điện khác cũng báo lãi tăng trưởng đột biến trong quý I/2021. Đơn cử như Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 114,8 tỷ đồng và 37,4 tỷ đồng, tăng trưởng 49% và 260% so với quý I/2020; Công ty CP Sông Ba báo lãi sau thuế 29 tỷ đồng, gấp 4,8 lần cùng kỳ năm ngoái…

Khác với tình cảnh lỗ 31,3 tỷ đồng trong quý I năm ngoái, Công ty CP Thủy điện A Vương ghi nhận 167,1 tỷ đồng doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2021, gấp hơn 16 lần cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế ở mức 88,1 tỷ đồng, hoàn thành 83% mục tiêu lợi nhuận năm 2021.

Trên thực tế, kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện đã tích cực trở lại kể từ quý III/2020 nhờ tình hình thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng. Thêm vào đó, sau một năm có lượng điện tiêu thụ thấp nhất trong vòng 5 - 6 năm trở lại đây, nhu cầu điện dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2021. Trong đó, thủy điện luôn là nguồn được ưu tiên hàng đầu nhờ chi phí rẻ.

Theo số liệu vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố, trong số 59,65 tỷ kWh điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống trong quý I/2021, nguồn huy động từ thủy điện chiếm 23,24%, đạt 13,86 tỷ kWh, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2020. Năng lượng tái tạo cũng được tăng mức huy động với 7,79 tỷ kWh (tăng 180,6%). Trong khi đó, nhiệt điện khí huy động giảm 21,4%, đạt 7,44 tỷ kWh và nhiệt điện than huy động 29,75 tỷ kWh (giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2020).

Trái ngược với thủy điện, một số nhà máy nhiệt điện ghi nhận kết quả kinh doanh thiếu tích cực. Đơn cử như Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, doanh thu chỉ bằng 67% cùng kỳ năm trước, đạt 1.989 tỷ đồng, lỗ 11,2 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 210 tỷ đồng).

Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại có doanh thu cũng giảm mạnh, chưa bằng 50% cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.078 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 29,8 tỷ đồng, bằng 1/5 so với con số 168,3 tỷ đồng quý I/2020. Phải nhờ khoản doanh thu tài chính gần 120 tỷ đồng (chủ yếu từ cổ tức đợt 2 năm 2020 của Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng) mới giúp Công ty có lãi 138 tỷ đồng trong quý I/2021.

Nhu cầu tiêu thụ điện năm 2021 theo dự báo của EVN sẽ phục hồi và tăng trưởng với tốc độ 8 - 10%, tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất điện. Mặt khác, kể từ quý II/2020, lượng mưa tăng mạnh do hiện tượng La Nina quay trở lại. Năm 2021 được dự báo xác suất xảy ra La Nina cao so với El Nino nên lượng mưa nhiều đáng kể, tạo cơ hội tăng trưởng lợi nhuận cho các nhà máy thủy điện.

Tin cùng chuyên mục