Tích cực hoàn tất quy trình ký kết Hiệp định CPTPP

(BĐT) - Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết, theo kế hoạch đã được thống nhất,  ngày 8/3 tại TP. Santiago của Chile, 11 nước thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
CPTPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây
CPTPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất được kết thúc đàm phán trong thời gian gần đây

Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn tất quy trình pháp lý trong nước để chuẩn bị cho lễ ký kết Hiệp định. Sau khi được ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua và đưa vào thực hiện.

Hiệp định được kỳ vọng sẽ mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân, góp phần quan trọng vào tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực cũng như trên thế giới.

Để tận dụng được các lợi ích nêu trên, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần lưu ý 3 giải pháp chính. Trước hết, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là  thông tin về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Thứ hai, DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Cuối cùng, DN cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nêu trên để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng là cơ hội tốt để các DN của Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.