Tại hội thảo “Gia công ODM và OBM cho thị trường châu Âu - cơ hội cho các gia công may mặc Việt Nam”, do Phòng Thương mại Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV) tổ chức tại TPHCM, ông Guillame Crouzet, đại diện CCIFV cho biết, tiềm năng nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào châu Âu còn rất lớn, nhất là khi FTA Việt Nam-EU có hiệu lực.
Theo thống kê của CCIFV, trong giai đoạn từ 2007-2015, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh về xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường châu Âu (cùng với Campuchia và Banglades). Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam vào EU là áo vest nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất với 48%, tiếp đó là trang phục nam 32%, áo đầm nữ 28%...
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, ngành dệt may luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 17,5%/năm. Hiện ngành dệt may đang đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu của cả nước và đứng trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới.
Trong năm 2016, mặc dù các DN dệt may gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến vẫn sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, chi phí lao động tại Việt Nam ngày càng tăng do tiền lương tối thiểu tăng, kéo theo chi phí về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cũng tăng theo, khiến cho giá thành tăng. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến có xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia và Myanmar gần đây.
Mặc dù vậy, theo bà Mai, ngành dệt may của Việt Nam vẫn còn cạnh tranh về lao động và trình độ sản xuất. Bên cạnh đó, chính trị ổn định, cùng các chính sách tạo thuận lợi cho thương mại ngày càng được cải thiện… là những lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong ngành, việc hợp tác với các DN châu Âu là một trong những hướng đi quan trọng, giúp các DN dệt may nâng cao khả năng thiết kế, kỹ năng quản lý sản xuất, tăng năng suất lao động, từ đó thay đổi hình thái sản xuất chuyển từ gia công thuần túy sang sản xuất FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế sản xuất), OBM (tự sản xuất và phân phối), qua đó nâng cao tính chủ động và giá trị gia tăng cho các DN trong ngành.
Đặc biệt, việc hợp tác với các DN châu Âu sẽ giúp các DN Việt Nam có thể dễ dàng xâm nhập và tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa sang thị trường này.