Thanh tra Bộ Xây dựng báo động công tác quản lý chất lượng thi công tại Dự án Đầu tư xây dựng, mở rộng Quốc lộ 51, đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Lê Tiên |
Đặc biệt, nghi vấn các cổ đông của doanh nghiệp dự án không góp đủ vốn chủ sở hữu, tay không làm dự án BOT ngàn tỷ đồng được Thanh tra Bộ Xây dựng xác định là hoàn toàn có cơ sở.
“Điểm mặt” nhiều sai phạm
Sai phạm đầu tiên không thể không “điểm mặt” chính là việc tính toán khối lượng chưa chính xác, lập dự toán xây dựng công trình chưa đúng quy định và một số sai sót khác làm tăng giá trị dự toán số tiền 40,015 tỷ đồng. Trong đó, theo Thanh tra Bộ Xây dựng, Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) đưa ra phương án vận chuyển vật liệu cấp phối đá dăm từ các mỏ đá thuộc tỉnh Đồng Nai để thi công cho đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là chưa hợp lý, làm tăng giá gói thầu thêm 24,126 tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác quản lý chất lượng thi công công trình cũng rất đáng báo động. Cụ thể, theo kết quả kiểm định lớp bê tông nhựa của tư vấn độc lập tại Gói thầu số 04 thuộc Dự án, có từ 45% đến 60% thành phần hạt không đạt yêu cầu; 38% đến 90% hàm lượng nhựa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chính những điều này đã dẫn đến chất lượng mặt đường không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Vì vậy, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu BVEC phải tiến hành kiểm tra và cho thi công lại các đoạn tuyến mà chất lượng mặt đường không đạt yêu cầu thiết kế.
Không dừng lại ở đó, tại Gói thầu số 02, 07 và 14, Thanh tra Bộ Xây dựng còn phát hiện chiều dày lớp bù vênh bằng vật liệu bê tông nhựa thực tế mỏng hơn chiều dày thiết kế từ 44% đến 63%. Thế nhưng, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu đã nghiệm thu khối lượng bù vênh theo khối lượng thiết kế, dẫn đến nghiệm thu sai tăng 16,196 tỷ đồng.
“BVEC là doanh nghiệp dự án nhưng không thành lập Ban quản lý dự án là không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 33, Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và quy định trong hợp đồng BOT. Hàng năm, BVEC không lập dự toán chi phí quản lý dự án nhưng vẫn trích kinh phí từ nguồn đầu tư vào dự án BOT để chi phí quản lý dự án. Đến hết tháng 6/2013, BVEC đã chi phí tổng cộng 72,59 tỷ đồng. Như vậy, BVEC đã chi vượt 48,55 tỷ đồng chi phí quản lý dự án so với quyết định phê duyệt dự án (chi phí quản lý dự án là 24,04 tỷ đông)” - Kết luận thanh tra số 379/KL-TTr ngày 27/9/2016 do Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên ký, khẳng định.
Nghi vấn các cổ đông không góp đủ vốn chủ sở hữu
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 của Chính phủ, hợp đồng BOT được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng, nhưng Bộ Giao thông vận tải (cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền) chỉ định BVEC là nhà đầu tư đàm phán hợp đồng BOT Tiểu dự án Đầu tư xây dựng, mở rộng Quốc lộ 51 và ký kết hợp đồng BOT, theo Thanh tra Bộ Xây dựng, là không đúng quy định nêu trên.
Đối với nghi vấn các cổ đông không góp đủ vốn chủ sở hữu, tay không làm dự án BOT ngàn tỷ đồng, mà dư luận xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng từng phản ánh, Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, những phản ánh đó là hoàn toàn có cơ sở. Minh chứng là, theo quy định của hợp đồng BOT này, đến tháng 8/2012, các nhà đầu tư phải huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu là 307 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm đó, các nhà đầu tư mới chỉ góp được 73,05 tỷ đồng, đạt 23,8%, còn thiếu 234,52 tỷ đồng.
Trên cơ sở những sai phạm đã được chỉ ra, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu BVEC phải đăng ký giảm vốn điều lệ theo số thực có của doanh nghiệp. Đồng thời, kiểm điểm các tập thể, cá nhân đã để xảy ra các tồn tại và sai sót: không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc góp vốn chủ sở hữu; báo cáo không đúng với cơ quan đăng ký kinh doanh về số cổ phần thực mua của các cổ đông. Nhất là, thiết kế, lập dự toán giá gói thầu, điều chỉnh tổng mức đầu tư, chi phí quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng không đúng quy định.