Tiếng nói báo chí hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá về cơ bản, hầu hết hoạt động báo chí viết về doanh nghiệp đều theo hướng khách quan, vì lợi ích chung, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Do đó, trong thời gian tới, việc đồng hành của các cơ quan báo chí sẽ có ý nghĩa to lớn đối với các doanh nghiệp (DN).
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Đây là ý kiến của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị Gặp gỡ Báo chí-Doanh nghiệp năm 2017 nhân kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạnh Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017), chiều ngày 19/6.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, chưa bao giờ phát triển doanh nghiệp doanh nhân được quan tâm như hiện nay.

Đại diện cộng đồng DN đánh giá, thời gian qua, Đảng và Chính phủ dù có nhiều chính sách hỗ trợ DN nhưng cần phải thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn có tới 69% DN còn gặp khó khăn, thậm chí không có lãi. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã tăng 9 bậc về môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều chính sách, thể chế đổi mới theo hướng thuận lợi cho DN.

Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thuận lợi dù Việt Nam vẫn đang là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ, tuy nhiên xét về chất lượng thể chế hành chính vẫn chưa cao.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để trở thành một trong 4 môi trường kinh doanh hàng đầu khu vực ASEAN, cùng các bộ, ngành quyết liệt thực hiện. Bên cạnh sự đôn đốc quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những “áp lực” quan trọng đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua xuất phát từ tiếng nói của báo chí.

TS. Vũ Tiến Lộc dẫn chứng, ví dụ việc soạn thảo xây dựng 5 Nghị định mới, xoá bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh có sự đóng góp không nhỏ từ phía báo chí.

Hơn nữa, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị quyết về hỗ trợ phát triển phát triển doanh nghiệp, nhiều chính sách hỗ trợ khác. Đặc biệt, mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa là sự động viên lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Dĩ nhiên, có những lúc không phải giữa báo chí và doanh nghiệp lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt”. Thậm chí có một bộ phận nhà báo sách nhiễu, gây khó khăn, mang lại thiệt hại cho doanh nghiệp.

“Chỉ một thông tin thiếu trách nhiệm, một bài phân tích tiêu cực thiếu căn cứ có thể ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, thậm chí làm doanh nghiệp khó khăn, phá sản. Đây chính là một loại rủi ro của doanh nghiệp, bên cạnh các rủi ro thị trường, rủi ro chính sách…”, TS. Lộc nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên cho rằng, vẫn có những cá biệt người làm báo có hành vi tiêu cực, gây khó khăn, “bẻ cong“ sự thật để trục lợi. Tuy nhiên, đại đa số báo chí phản ánh trung thực, khách quan cả những mặt tốt và xấu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần xác định rằng, trên thương trường, quan trọng nhất là cần biết mình đang ở đâu trong xã hội. Một trong những kênh thông tin quan trọng của doanh nghiệp được phản ánh qua lăng kính báo chí. Sự phản ánh trung thực khách quan của báo chí là rất quan trọng để lành mạnh hoá môi trường kinh doanh.

Ông Dương thẳng thắn chia sẻ, không hẳn là doanh nghiệp nào cũng tốt. Do đó, việc báo chí phê phán doanh nghiệp, doanh nhân xấu, đi đôi với cổ vũ, động viên kịp thời doanh nghiệp tốt làm ăn chân chính sẽ góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh, bình đẳng hơn.

Trao Kỷ niệm chương cho đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng động đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Ảnh: VGP

Trao đổi với các doanh nghiệp, ông Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản chia sẻ, một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam chính là tính liên kết còn yếu. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có tính liên kết rất cao với nhau, liên kết giữa các hiệp hội, phân tích tỉ mỉ về các đối thủ cạnh tranh, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Do đó, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, nếu không kịp thời khắc phục điểm yếu này, thì doanh nghiệp Việt sẽ rất khó cạnh tranh ngay cả trên “sân nhà”, chưa nói đến trên sân chơi toàn cầu.

Trong các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 cũng nhấn mạnh việc khắc phục điểm yếu về liên kết. Do đó, trong thời gian tới, VCCI, các hiệp hội, đặc biệt là các cơ quan báo chí, cần có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ hơn, thực hiện tuyên truyền, góp phần khắc phục điểm yếu trên của doanh nghiệp. Dưới góc độ xây dựng thể chế chính sách, ông Đoàn Minh Huấn góp ý, đây không chỉ thuần tuý là do khu vực Nhà nước làm mà cần có sự tham gia ở các khu vực khác nhau, góp ý xây dựng.

Việc đóng góp ý kiến xây dựng không phải bản thân các doanh nghiệp tư nhân làm được ngay mà cần rất nhiều kênh thông tin, phản ánh đa chiều từ báo chí, truyền thông, từ đó mới giúp đúc kết kinh nghiệm nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo.

Sau khi đại diện các cơ quan báo chí và doanh nghiệp trao đổi ý kiến, đánh giá chung, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá về cơ bản, hầu hết hoạt động báo chí viết về doanh nghiệp đều theo hướng khách quan, vì lợi ích chung, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch. Do đó, trong thời gian tới, việc đồng hành của các cơ quan báo chí sẽ có ý nghĩa to lớn đối với các doanh nghiệp.

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đã trao Kỷ niệm chương cho đại diện lãnh đạo một số cơ quan báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.