Tiếp sức để hiện thực hóa Cách mạng công nghiệp 4.0

(BĐT) - Sáng nay (21/12), tại Hà Nôi, Chương trình giới thiệu mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Chương trình có sự tham dự của các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế... 
Mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được giới thiệu tới đông đảo bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế...
Mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được giới thiệu tới đông đảo bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế...

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đất nước sau 30 năm đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, những kết quả vượt bậc cả về kinh tế và xã hội, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nền kinh tế đang đối diện nhiều thách thức trong giai đoạn sắp tới.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang thay đổi một cách căn bản các ngành nghề khác nhau và đặt ra bài toán cho các quốc gia trong việc thích nghi và giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế. Cùng với đó, CMCN 4.0 cũng đem đến cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cơ hội có một không hai để vượt lên và đưa nền kinh tế phát triển theo hướng mới dựa trên khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xác định Việt Nam cần có chiến lược để nhanh chóng nắm bắt cơ hội này và đưa đất nước lên tầm phát triển mới để bắt kịp các nước trong một số ngành hiện mình đang đi chậm hơn; đi cùng và vượt lên trong một số ngành khác mà quốc gia có lợi thế so sánh tương đối. Theo đó, được sự tin tưởng và giao phó của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nghiên cứu về chiến lược quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là hạt nhân cho việc thúc đẩy việc phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Mô hình Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia phải có sự khác biệt, tránh sự trùng lắp với nhiều mô hình hiện có, nhưng lại có thể nhân rộng. Trước mắt, Trung tâm sẽ là “lõi” để tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Chương trình, đại diện đơn vị tư vấn chia sẻ, trên thế giới đã có nhiều bài học thành công trong việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo với tác động kinh tế rất lớn. Việc hình thành và tập trung các công ty công nghệ tỷ USD và hàng chục ngàn việc làm chất lượng cao, điển hình như: Trung Quân Thôn tại Bắc Kinh (Trung Quốc); Thành phố truyền thông số tại Seoul (Hàn Quốc)… Đặc điểm chung của các trung tâm này là việc tập trung các thành phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong một hoặc một vài lĩnh vực được lựa chọn vào một môi trường phù hợp cho hệ sinh thái phát triển. Điều tiên quyết là các trung tâm này phải là nơi có môi trường kinh doanh rất tốt và các chính sách cạnh tranh (với các trung tâm đổi mới sáng tạo tập trung vào cùng lĩnh vực ở cùng quốc gia hay ở quốc gia khác) để thu hút các công ty đến đặt trụ sở cũng như thu hút nhân tài đến làm việc.

Dự kiến, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam sẽ được đặt ở Đồng bằng sông Hồng. Đây là khu vực có quy mô kinh tế hiện đang chiếm hơn một phần tư GDP của cả nước và là nơi có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực cho kinh tế Việt Nam khi đi đúng hướng.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh một số vấn đề lưu ý để trung tâm này thực sự trở thành hạt nhân thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, đại diện các cơ quan liên quan cũng đưa ra những ý kiến góp ý hoàn thiện mô hình.