Dự thảo Nghị quyết 02 đề ra mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số “Khởi sự kinh doanh” lên 15 - 20 bậc. Ảnh: Lê Tiên |
Đây là mục tiêu quan trọng được nhấn mạnh trong Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ năm 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và những năm tiếp theo đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lấy ý kiến hoàn thiện.
Điểm số tăng nhưng thứ hạng còn thấp
Năm 2019, đánh giá của các tổ chức kinh tế cho thấy, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam đều tăng điểm. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số “Năng lực cạnh tranh 4.0” của Việt Nam tăng 3,5 điểm và 10 bậc. Chỉ số “Đổi mới sáng tạo” theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Kết quả cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 1,2 điểm…
Tuy có sự cải thiện, nhưng chỉ số “Năng lực cạnh tranh 4.0” của Việt Nam vẫn đứng thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan , Indonesia và Philippines. Chỉ số “Đổi mới sáng tạo” có xu hướng tăng chậm lại và 4/7 trụ cột giảm bậc trong năm 2019. Xếp hạng Doing Business của WB cho thấy, các nền kinh tế khác có xu hướng cải cách nhanh và quyết liệt hơn chúng ta; trong ASEAN, Việt Nam đứng vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.
Nhìn vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp (DN), bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức do các điều kiện kinh doanh hay thủ tục kiểm tra chuyên ngành bất hợp lý gây nên. Cùng với đó, chi phí về thời gian và tiền bạc thực hiện các thủ tục này còn cao…
Tập trung cải thiện những chỉ số có thứ hạng thấp
Với mục tiêu nâng hạng môi trường kinh doanh trong xếp hạng Doing Business của WB lên 5 - 7 bậc; chỉ số “Năng lực cạnh tranh 4.0” trong xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới lên 2 - 3 bậc; chỉ số “Đổi mới sáng tạo” trong xếp hạng của WIPO lên 2 - 3 bậc và chỉ số “Phát triển Chính phủ điện tử” (theo xếp hạng của Liên hợp quốc) lên 10 - 15 bậc, Dự thảo Nghị quyết 02 đặt ra yêu cầu tiếp tục tập trung cải thiện những chỉ số có điểm số và thứ hạng còn thấp.
Cụ thể, đối với chỉ số “Khởi sự kinh doanh”, lâu nay chỉ số này được đánh giá còn nhiều tiềm năng để cải thiện, song vẫn ở vị trí thấp (vị trí 115 theo Báo cáo Doing Business 2020), Dự thảo Nghị quyết 02 đặt mục tiêu nâng xếp hạng lên 15 - 20 bậc.
Để đạt mục tiêu này, Dự thảo Nghị quyết 02 yêu cầu, trong quý I/2020, Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài, trong đó, bãi bỏ thủ tục khai lệ phí môn bài. Quý II/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-LĐTBXH và kiến nghị sửa đổi Nghị định 03/2014/NĐ-CP theo hướng bãi bỏ thủ tục đăng ký lao động lần đầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động như hiện nay. Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng dịch vụ khai trình lao động trực tuyến trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN; liên thông dịch vụ đăng ký DN và khai trình lao động, chia sẻ cơ sở dữ liệu DN…
Về chỉ số “Cấp phép xây dựng”, Bộ Xây dựng cùng đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; giám sát và tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ thực thi công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an đề xuất ban hành quy chế phối kết hợp giải quyết các thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy; rà soát lại quy trình thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép và thanh tra, kiểm tra xây dựng không quá 50 ngày. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư xây dựng nhằm giảm số lượng các cuộc kiểm tra, số lần phê duyệt (hoàn thành trong quý III/2020).
Đối với chỉ số “Giải quyết tranh chấp hợp đồng” và chỉ số “Phá sản DN”, Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện các giải pháp cần thiết cải thiện các chỉ số này; nghiên cứu, kiến nghị đề xuất sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thi hành án dân sự. Triển khai thu án phí qua hình thức không dùng tiền mặt. Các nhiệm vụ này hoàn thành trong năm 2020.
Dự thảo Nghị quyết 02 cũng nhấn mạnh việc cải thiện các chỉ số như: Tiếp cận tín dụng, đăng ký tài sản… Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện năm 2018 - 2019; cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Dự thảo Nghị quyết 02 sẽ được trình Chính phủ trong những ngày tới và dự kiến ban hành ngay đầu năm 2020.