Tiếp tục tháo gỡ các rào cản kinh doanh

(BĐT) - Dự thảo mới nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp vừa tiếp tục được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cập nhật xin ý kiến hoàn thiện. 
Đề xuất bãi bỏ kinh doanh dịch vụ logistics khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Lê Tiên
Đề xuất bãi bỏ kinh doanh dịch vụ logistics khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Lê Tiên

Theo Dự thảo lần này, hàng chục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không cần thiết hoặc bất hợp lý tiếp tục được đề xuất bãi bỏ, trong khi đề xuất đưa "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Dự thảo Luật đề xuất bãi bỏ 17 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014 để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan. Điển hình như đề xuất bãi bỏ ngành nghề kinh doanh dịch vụ xoa bóp vì ngành này đã được quản lý bằng điều kiện an ninh, trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Dự thảo đề xuất bãi bỏ hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại vì Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định và áp dụng cho các hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi theo quy định tại Khoản 16 Điều 2 Luật Doanh nghiệp, Khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại không phản ánh bản chất của một ngành, nghề kinh doanh, bởi “trung tâm trọng tài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận” (Khoản 2 Điều 27 Luật Trọng tài thương mại).

Cùng với đó, đề xuất bãi bỏ kinh doanh dịch vụ logistics khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo Bộ KH&ĐT, dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi…, liên quan đến nhiều ngành, nghề khác nhau. Trường hợp cần quản lý theo điều kiện đầu tư kinh doanh thì các ngành, nghề đã có quy định cụ thể. “Do đó, bãi bỏ logistics khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để tránh chồng chéo, trùng lặp về điều kiện đầu tư kinh doanh”, Bộ KH&ĐT đề xuất.

Bên cạnh đó, Dự thảo mới nhất đề xuất sửa đổi thêm 2 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (kinh doanh dịch vụ phát hành và phổ biến phim; kinh doanh dịch vụ thử nghiệm, khảo nghiệm chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi) so với Dự thảo trước đó nhằm thống nhất với các quy định. Đồng thời, Dự thảo lần này vẫn giữ nguyên đề xuất bổ sung 3 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là: đăng kiểm tàu cá; kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu; kinh doanh dịch vụ môi giới bảo hiểm. 

Cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”

Một điểm đáng chú ý khác tại Dự thảo lần này là cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Điều 6 Luật Đầu tư để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. 

Theo Luật Đầu tư hiện hành, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được hướng dẫn cụ thể về các điều kiện tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP và Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Về lý do của đề xuất này, Bộ KH&ĐT cho rằng, thời gian qua đã phát sinh tình trạng một số tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định của pháp luật khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”. Việc xem xét, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý chặt chẽ dịch vụ đòi nợ thuê là hết sức cần thiết, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tán thành với đề xuất, song trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Lê Nết, Công ty Luật LNT & Partners cho biết, trên thực tế pháp luật có quy định hình thức viết thư đòi nợ, đi kiện đòi nợ nhưng không quy định dùng vũ lực để đòi nợ. Do đó, chỉ nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ nếu có hành vi trái pháp luật. “Như vậy, để quy định tại Dự thảo Luật trên phù hợp thì nên ghi rõ chỉ cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ trái pháp luật hoặc dùng các biện pháp không được quy định”, ông Nết nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục