Tiếp tục thoái vốn nhà nước tại hàng loạt DN: Còn đó nỗi lo “èo uột”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trên 70 doanh nghiệp sẽ phải thoái hết vốn nhà nước trong thời gian tới theo Quyết định số 690/2024/QĐ-TTg. Trong số đó, có nhiều tổng công ty và những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả như Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco… Tuy nhiên, để thoái vốn thành công, cần xử lý được những khó khăn hiện hữu trong công tác thoái vốn nhà nước, đồng thời tăng sức hấp dẫn với dòng tiền chuyên nghiệp.
SCIC sẽ bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp bluechip trên sàn như Công ty CP FPT, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco… Ảnh: Bích Vân
SCIC sẽ bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp bluechip trên sàn như Công ty CP FPT, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco… Ảnh: Bích Vân

Điểm tên các doanh nghiệp sẽ phải sắp xếp lại

Quyết định số 690/2024/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC đến năm 2025” đặt ra yêu cầu củng cố SCIC, tập trung đầu tư và phát triển các dự án đầu tư có quy mô lớn, quan trọng; hoạt động hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó, từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, định hướng sau năm 2025, SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.

Với định hướng như trên, Thủ tướng quy định, có 7 doanh nghiệp SCIC tiếp tục nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, trong đó có Tổng công ty Dược Việt Nam, Công ty CP Cảng Quảng Bình, Công ty CP Cảng Thuận An, Tổng công ty Sông Đà... SCIC cũng được tiếp tục nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ tại 5 doanh nghiệp (Tổng công ty CP Bảo Minh, Công ty CP Cảng An Giang, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty CP Viễn thông FPT, Công ty TNHH MTV Khai thác và chế biến đá An Giang), đồng thời được duy trì nắm giữ dưới 50% vốn tại 7 doanh nghiệp lớn (Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty CP Dược Hậu Giang, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Công ty CP Traphaco). 74 doanh nghiệp nhà nước còn lại, SCIC sẽ phải thoái toàn bộ vốn Nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp lớn có tên trong danh sách thoái toàn bộ vốn nhà nước (xem bảng). Quyết định của Thủ tướng mở ra cơ hội cho nhà đầu tư tham gia mua cổ phần trong các đợt thoái vốn sắp tới, nhất là khi SCIC sẽ bán vốn nhà nước tại cả những doanh nghiệp bluechip trên sàn như Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty CP FPT, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco…

Tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Nhà nước đang sở hữu 37,1% vốn. Nếu tính theo vốn hóa thị trường (ngày 22/7/2024) là 7.100 tỷ đồng, nhà đầu tư cần chuẩn bị khoảng 2.600 tỷ đồng để mua hết số cổ phần Nhà nước đang sở hữu ở doanh nghiệp này. Tại Domesco, Nhà nước đang nắm giữ 34,71% vốn, nên cần khoảng 800 tỷ đồng để có thể mua hết. Với FPT, Nhà nước (thông qua SCIC) hiện nắm 5,75% vốn và với mức vốn hóa của FPT (ngày 22/7/2024) lên tới 181.242 tỷ đồng, cần có trên 1.000 tỷ đồng mới mua hết phần sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp này…

Một số doanh nghiệp SCIC sẽ thoái vốn toàn bộ trong thời gian tới

Một số doanh nghiệp SCIC sẽ thoái vốn toàn bộ trong thời gian tới

Gỡ khó cho thoái vốn nhà nước hiệu quả hơn

Năm 2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1479/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025 cổ phần hóa 19 doanh nghiệp và thực hiện thoái vốn nhà nước đầu tư tại 141 doanh nghiệp. Với dự kiến nguồn thu từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 là 248.000 tỷ đồng, Thủ tướng giao kế hoạch thu hồi vốn nhà nước tại một số tổ chức kinh tế do Trung ương quản lý cụ thể từng năm, theo đó năm 2021 là 40.000 tỷ đồng, năm 2022 là 20.000 tỷ đồng, năm 2023 là 3.000 tỷ đồng, năm 2024 là 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước những năm qua đạt kết quả rất thấp. Năm 2023, Nhà nước chỉ thoái được vốn tại 5 doanh nghiệp. Năm 2022, Nhà nước thoái vốn tại gần 30 doanh nghiệp. Từ đầu năm 2024 đến nay, tại SCIC mới có 2 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước thông qua đấu giá, thu về 181 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch.

Chia sẻ với các nhà báo cuối tuần qua, ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, ông vừa tham dự chuyến công tác tại Vương quốc Anh về việc cổ phần hóa MobiFone. Ông nhận thấy, nhiều nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm, nhưng họ rất khó đầu tư khi Nhà nước thoái vốn. Lý do chính là cách bán không thu hút, hình thức bán vốn nhà nước hiện hành là đấu giá qua thị trường chứng khoán và cho phép nhà đầu tư tiếp cận thông tin trong một khoảng thời gian nhất định trước khi đấu giá. “Chúng tôi cũng tiếp cận nhiều quỹ đầu tư đến từ vùng Vịnh. Họ mong muốn cùng SCIC thành lập liên doanh để cùng nhau đầu tư hoặc tham gia vào các đợt thoái vốn. Quan điểm của họ là trước khi thực hiện mua bán, phải tiến hành thẩm định chuyên sâu doanh nghiệp (due diligence) hoặc phải thực hiện các đàm phán cổ đông lớn, nhưng tại Việt Nam hiện nay, bán vốn nhà nước chỉ có hình thức đấu giá, không theo quy trình nước ngoài”, ông Tuấn nói.

Tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Nhà nước đang sở hữu 37,1% vốn. Nếu tính theo vốn hóa thị trường (ngày 22/7/2024) là 7.100 tỷ đồng, nhà đầu tư cần chuẩn bị khoảng 2.600 tỷ đồng để mua hết số cổ phần Nhà nước đang sở hữu ở doanh nghiệp này.

Thực tế, bên cạnh phương thức đấu giá, quy định hiện hành đã cho phép việc bán vốn nhà nước thực hiện theo hình thức dựng sổ (Book buiding). Tuy nhiên, lãnh đạo SCIC cho biết, phương thức dựng sổ mới chỉ trên giấy tờ, chưa được áp dụng trong thực tế. Đây là trở ngại hiện hữu trong thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn.

Cùng với khó khăn về phương thức bán, đại diện SCIC chia sẻ, điểm khó hơn đến từ việc sắp xếp lại, xác định giá trị sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp. “Để thoái vốn Nhà nước, chúng tôi phải đề nghị doanh nghiệp sắp xếp lại quỹ đất đang quản lý. Có những doanh nghiệp có đất tại tất cả các tỉnh, thành, SCIC sẽ phải làm việc tại cả 63 địa phương để xác định giá trị doanh nghiệp. Thử hình dung, nếu thoái vốn MobiFone, Agribank thì sẽ thấy công việc lớn như thế nào”, ông Tuấn nói và đề xuất Bộ Tài chính nên “làm mới” quy định sắp xếp sử dụng đất và nếu coi đất doanh nghiệp đang quản lý đều là thuê của Nhà nước thì sẽ dễ dàng hơn cho công tác thoái vốn.

Tính đến 30/6/2024, SCIC đang quản lý vốn nhà nước tại 112 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 53.306 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 182.891 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 690/2024/QĐ-TTg, lãnh đạo SCIC cho biết, Tổng công ty sẽ đẩy nhanh tiến trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được chỉ định. Bên cạnh đó, SCIC sẽ tiếp nhận quyền sở hữu vốn tại một số bộ, ngành, như Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái SCIC, nhất là các lĩnh vực trọng yếu, hạ tầng, cảng, data center…

Tin cùng chuyên mục