Bị can Nguyễn hồng Khanh. |
Ngày 2/4, Viện KSND tỉnh Bình Dương đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Hồng Khanh (sinh năm 1967, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Cùng bị đề nghị truy tố tội danh trên còn có bị cáo Nguyễn Huy Hùng (sinh năm 1968, nguyên giám đốc chi nhánh ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (sinh năm 1970, nguyên cán bộ cấp dưới của bị cáo Hùng).
Trước đó, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử và quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hàng loạt vấn đề.
Quá trình điều tra bổ sung, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định chữ ký theo yêu cầu điều tra bổ sung.
Ngày 21/1/2020, Viện khoa học hình sự kết luận chữ ký ghi tên Nguyễn Hiệp Hảo trên giấy ủy quyền ngày 25/1/2008 và chữ ký của Nguyễn Hiệp Hảo trên tài liệu so sánh không phải cùng 1 người ký ra.
Theo kết quả tương trợ tư pháp, bà Nguyễn Hiệp Hảo có về Việt Nam vào năm 2014 và năm 2015, được bà Hồ Thị Hiệp (mẹ bà Hảo) cho biết toàn bộ tài sản của gia đình đã bị ngân hàng xử lý.
Như vậy, tại thời điểm năm 2015, bà Hảo biết quyền sử dụng đất của mình đã bị bà Hiệp thế chấp nhưng không có khiếu nại, đây là căn cứ chứng minh ý thức của bà Hảo đồng thuận cho bà Hiệp sử dụng đất của mình để thế chấp vay vốn. Vì vậy, việc xác định chữ ký trên giấy ủy quyền và chữ ký của bà Hảo không ảnh hưởng tới bản chất vụ án.
Quá trình điều tra bổ sung, cơ quan điều tra đã làm việc với ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn. Theo kết quả làm việc, trước tháng 12/2011, vốn Nhà nước tại ngân hàng BIDV chiếm tỷ lệ là 100%. Từ tháng 12/2011 - tháng 8/2015, vốn Nhà nước tại ngân hàng BIDV chiếm tỷ lệ 95,8%. Từ tháng 8/2015- tháng 11/2019, vốn Nhà nước tại ngân hàng BIDV chiếm tỷ lệ 95,3%. Từ tháng 11/2019 đến nay, vốn Nhà nước tại ngân hàng BIDV chiếm tỷ lệ 81%.
Đối với việc gia đình bị can Khanh cải tạo đất và trồng cao su sau khi mua lại của bà Hiệp thì cơ quan điều tra cho rằng việc này không ảnh hưởng tới việc xử lý vụ án này nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong vụ án sau.
Ngoài ra, quá trình điều tra bổ sung, cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương tách một số hành vi liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn sau của vụ án.
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2005 – 2008, bà Hồ Thị Hiệp, giám đốc công ty TNHH Xuất khẩu Thương mại An Tây (công ty An Tây) vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tây Sài Gòn 72 tỷ đồng. Tài sản thế chấp khi vay gồm 20 ha đất, nhà xưởng, định giá tài sản vào khoảng 80 tỷ đồng.
Đến năm 2008, công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên phía ngân hàng đưa vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Thời điểm này, bị cáo Hùng và bị cáo Lộc đã giao tài sản thế chấp lại cho bà Hồ Thị Hiệp tự bán, người mua là bị can Khanh và thành viên gia đình. Khi giao tài sản đảm bảo cho bà Hiệp để bán thì Hùng và Lộc không có văn bản thỏa thuận với bà Hiệp về việc bán tài sản.
Bên cạnh đó, Hùng và Lộc thống nhất để bà Hiệp nhận một khoản tiền mặt từ bán tài sản đảm bảo không đưa vào trả nợ cho ngân hàng theo quy định. Hành vi ông Nguyễn Hồng Khanh với Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo kết luận định giá, toàn bộ diện tích đất thời điểm chuyển nhượng có giá trị gần 46 tỷ đồng. Ngân hàng thu hồi được hơn 10 tỷ đồng, Khanh thanh toán cho bà Hiệp số tiền 4,3 tỷ đồng và giá trị thiệt hại ngân hàng trong thu hồi nợ là gần 36 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hùng, Lộc còn lỏng lẻo trong quản lý tài sản thế chấp để sót diện tích 1.689m2 đất trị giá 748 triệu đồng của bà Nguyễn Hiệp Hảo thế chấp cho BIDV Tây Sài Gòn để cho Khanh quản lý, sử dụng.
Sau khi nhận được cáo trạng thì luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng như những người liên quan đều cho rằng cáo trạng chưa rõ ràng, bất hợp lý, các căn cứ buộc tội còn yếu, chưa xác định thiệt hại cụ thể trong vụ án, bỏ sót một số chứng cứ quan trọng của vụ án.