Ngành du lịch tung ra hàng loạt chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc nhằm phục hồi nhịp độ tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang quyết tâm phục hồi hoạt động, trước mắt là du lịch nội địa để từng bước lấy lại nhịp độ tăng trưởng như 4 năm qua, nhanh chóng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng thể hiện sự tin tưởng vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19 song hành với khôi phục kinh tế của Đảng và Chính phủ”.
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phối hợp với Vietnam Airlines phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2020. Chương trình này nhằm kêu gọi các doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm kích cầu mới, độc đáo, dịch vụ có giá thấp và khuyến mại phục vụ du khách tham gia chương trình trên nguyên tắc: bảo đảm an toàn, giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ và giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đây là lúc các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, từ bỏ các cách thức vận hành cũ, tái cơ cấu cho tinh gọn hơn, chuyển hướng phát triển bền vững. Ở thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có sẵn kế hoạch và phương án để trở lại đường đua ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đồng thời chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau để ứng biến với các diễn biến của thị trường, cho dù là rơi vào tình huống xấu nhất.
HoREA cũng khuyến nghị các doanh nghiệp bất động sản thực hiện một số chính sách bán hàng và làm việc để khôi phục doanh số và thích ứng trong giai đoạn mới.
Đáng chú ý, HoREA đề xuất các hội viên cần xem xét chính sách giảm giá bán nhà, tặng voucher, tăng tỷ lệ chiết khấu, hỗ trợ lãi vay mua nhà (trong thời gian chờ giao nhà) và các khuyến mãi khác. Cần tập trung phát triển phương thức làm việc từ xa, tận dụng tối đa các thành tựu của khoa học, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tiếp thị quảng bá dự án và sản phẩm trực tuyến, công nghệ BIM trong sản xuất, thi công, quản lý dự án, kinh doanh bất động sản.
Mặt khác, cần chuyển hướng mạnh mẽ sang phát triển bất động sản xanh và thông minh, hướng vào sản phẩm nhà ở có giá trung bình, nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội.
Từ phía đơn vị tư vấn, ông Hoàng Hùng, Phó Tổng giám đốc, kiêm lãnh đạo khối doanh nghiệp tư nhân PwC Việt Nam nhận định: "Khi doanh nghiệp bắt đầu thích nghi với hoạt động trong giai đoạn “bình thường mới”, nếu chủ động cân nhắc những biện pháp ứng phó khác nhau, doanh nghiệp sẽ đạt được những lợi thế nhất định".
Chú trọng đến triển vọng phát triển của doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức do dịch Covid-19 gây ra, đón thời cơ, phục hồi kinh tế.
Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra, chủ động đổi mới sáng tạo, đón thời cơ, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, lập thành tích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Cùng với đó, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị, nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, biến thách thức thành cơ hội, tạo giá trị mới, quan tâm đến phục vụ nhu cầu trong nước, mở rộng thị trường, tạo đà phát triển bền vững, bứt phá.