Tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững thị trường BĐS Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Phát triển thị trường bất động sản (BĐS), nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là chủ đề của hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), Trường Đại học Mở TP.HCM vừa mới tổ chức.

Thị trường BĐS, nhà ở Việt Nam trong thời gian tới còn dư địa rất lớn để phát triển. Ảnh: Ngô Ngãi
Thị trường BĐS, nhà ở Việt Nam trong thời gian tới còn dư địa rất lớn để phát triển. Ảnh: Ngô Ngãi

Kết quả của hội thảo này sẽ là một trong những luận cứ để Ban Kinh tế Trung ương sử dụng nghiên cứu, tổng hợp vào Đề án Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới.

Còn tiềm ẩm nguy cơ mất ổn định

Trong thời gian qua, thị trường BĐS, nhà ở đã có nhiều bước phát triển, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan và công bằng, sự phát triển của thị trường BĐS vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, không ít những hạn chế, bất cập đến nay chưa được tháo gỡ kịp thời.

Theo ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, với tốc độ đô thị hóa cao, nền kinh tế - chính trị ổn định, tầng lớp dân số trẻ và giới trung lưu ngày một tăng, thị trường BĐS, nhà ở Việt Nam trong thời gian tới còn dư địa rất lớn để phát triển. Với tỷ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng thêm 45% vào năm 2030, đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm 70 triệu m2 nhà ở đô thị mới đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

Điều đáng nói, giá cả BĐS, đặc biệt là giá nhà ở vẫn ở mức cao và giữ xu hướng tăng, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Vì vậy, Bộ Xây dựng cho rằng, đã đến lúc phát triển nhà ở và thị trường BĐS phải được thể hiện trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của đất nước; phải khắc phục tình trạng lệch pha cung - cầu về nhà ở; phải bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm kiến trúc, cảnh quan, tiện nghị và môi trường.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho hay, Hiệp hội và các doanh nghiệp BĐS rất kỳ vọng trong quý IV/2020, Chính phủ sẽ xem xét ban hành một số văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường BĐS theo Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị UBTV Quốc hội chỉ đạo Chương trình xây dựng pháp luật trong năm 2021, trong đó có “Đề án sửa đổi Luật Đất đai” và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh BĐS; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Du lịch; Bộ Luật Dân sự; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và liên thông của hệ thống pháp luật.

Cơ hội lớn cho ngành BĐS Việt Nam

Đứng trước thực tế nói trên, một vấn đề lớn được đặt ra: đâu là giải pháp trọng tâm để thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản nhà ở giai đoạn 2021 - 2030?

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện vẫn chưa theo kịp để điều chỉnh hết các loại hình bất động sản “mới”. Trong khi đó, việc vận dụng luật của cơ quan có thẩm quyền còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, góp phần làm giảm nguồn cung và đẩy giá bán các sản phẩm BĐS tăng trong thời gian qua.

“Thập niên 2020 sắp tới đây sẽ là cơ hội lớn cho ngành BĐS Việt Nam, thế nên vấn đề bây giờ là chính sách của Chính phủ làm sao để tạo được điều kiện thuận lợi, minh bạch giúp cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân cùng được góp phần xây dựng kinh tế - xã hội và phát triển chính sách thị trường BĐS”, ông Trung chia sẻ.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, cũng đã đưa ra một số kiến nghị. Cụ thể, về ngắn hạn, cần chuẩn hóa pháp lý BĐS nghỉ dưỡng, miễn giấy phép xây dựng đã phê duyệt quy hoạch 1/500, khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Cùng với đó, sớm ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN sửa đổi; tăng cường cho vay nhà ở; thực thi gói tín dụng nhà ở xã hội của Chính phủ. Đặc biệt, bổ sung lĩnh vực kinh doanh BĐS cũng là được giãn, hoãn thuế, phí… Về dài hạn, hoàn thiện hệ thống pháp lý; nâng cao năng lực tổ chức, quản lý thị trường BĐS; có chiến lược quản lý và phát triển thị trường BĐS đồng bộ; phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ hoạt động thị trường BĐS.

Thị trường BĐS nhà ở luôn kéo theo hàng loạt các thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động tăng trưởng. Sự biến động của thị trường BĐS và nhà ở tác động rất lớn đến quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị. Cho nên, các đại biểu kỳ vọng rằng, các ý kiến và giải pháp đưa ra mổ xẻ tại hội thảo này sẽ được các cấp, đặc biệt là Ban Kinh tế Trung ương đưa vào Đề án Đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục