Tín hiệu khó khăn rõ nét từ số DN rút khỏi thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình hình đăng ký gia nhập thị trường của doanh nghiệp (DN) trong tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế có nhiều yếu tố bất định, số lượng DN rút lui khỏi thị trường tăng cao, đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường cho DN.
Trong tháng 10/2022, cả nước có 9.860 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Trong tháng 10/2022, cả nước có 9.860 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Thực trạng doanh nghiệp 10 tháng

Cùng với sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tình hình đăng ký DN trong 10 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất trong giai đoạn 10 tháng đầu năm từ trước đến nay với 178.485 DN, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân 10 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2021.

Trong đó, số DN đăng ký thành lập mới là 125.821 DN, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2021. “Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 10 tháng đầu năm từ trước đến nay”, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho hay.

Có 16/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm ngoái. DN thành lập mới chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với hơn 93.000 DN, chiếm 74% tổng số DN thành lập mới, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đó là nhóm ngành công nghiệp và xây dựng với 31.056 DN gia nhập thị trường, chiếm 24,7% tổng số DN thành lập mới, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2021...

Cùng với thành lập mới, trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước có 52.644 DN quay trở lại hoạt động, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung trong 10 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có hơn 42.000 lượt DN tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh với gần 2,8 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm (tăng 23,1% về số DN và 48,7% về số vốn đăng ký tăng thêm so với cùng kỳ năm 2021).

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, đây là tín hiệu rất đáng mừng vì các DN mở rộng sản xuất kinh doanh đang hoạt động và trải nghiệm thực tế môi trường kinh doanh. Họ nhìn thấy các cơ hội kinh doanh và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nỗ lực hơn nữa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bên cạnh những mặt tích cực từ hoạt động gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, những yếu tố bất định gia tăng liên quan đến kinh tế toàn cầu đã tác động đến tình hình đăng ký DN 10 tháng đầu năm 2022 với một số điểm cần lưu ý.

Trước hết, số lượng DN rút lui khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận, trong tháng 10/2022, cả nước có 9.860 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số này có gần 4.060 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh; 4.200 DN chờ làm thủ tục giải thể; hơn 1.600 DN đã giải thể.

Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 122.135 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh là 66.401 DN, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2021; 40.308 DN chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,2%; và 15.426 DN giải thể, tăng 13,4%.

Cùng với đó, quy mô vốn đăng ký của DN có xu hướng giảm. Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt 11 tỷ đồng, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy DN vẫn còn tâm lý thận trọng khi bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, cũng như gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Liên quan đến vấn đề “sức khỏe” của DN, Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cho biết, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng khi hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn, số DN rút lui và giải thể còn cao.

Tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cách đây ít ngày, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn khi tăng trưởng kinh tế cao nhưng số DN rút lui khỏi thị trường tăng mạnh. “Phải chăng còn quá nhiều DN gặp khó khăn nhưng chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ, dẫn đến thực trạng là phải đóng cửa?”, đại biểu này đặt câu hỏi.

Dưới góc nhìn của DN, ông Tô Hoài Nam bày tỏ: “Không nên quá lo lắng về số DN rút lui khỏi thị trường, bởi phân tích số liệu cho thấy, phần lớn là các DN tạm ngừng kinh doanh, mà đây lại là thủ pháp quan trọng của người làm kinh doanh nhằm chờ đợi cơ hội tốt để bùng lên”.

Ông Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, rất nhiều DN đã thích ứng tốt với việc chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử… Do đó, trong số DN rút lui khỏi thị trường cũng có những DN chậm đổi mới nên bị đào thải. Do đó, đây là câu chuyện sàng lọc bình thường của thị trường.

Tuy nhiên, với những khó khăn, thách thức hiện hữu nêu trên, ông Nam cũng như các đại biểu, cử tri kiến nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường cho DN. Bản thân DN cũng cần tích cực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng tốt với các biến động của thị trường.

Tin cùng chuyên mục