Tín hiệu sáng nguồn cung đá xây dựng phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều công trình trọng điểm khu vực phía Nam đang bước vào cao điểm chạy đua thi công nên nhu cầu đá xây dựng rất lớn. Tuy nhiên, việc cung ứng gặp nhiều khó khăn. Nguồn đá xây dựng cho các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ dựa phần lớn vào các mỏ tại Đồng Nai, nhưng nhiều mỏ vướng thủ tục pháp lý khiến nguồn cung rất căng thẳng.
Đồng Nai được xem là “thủ phủ” khai thác đá xây dựng. Ảnh: Phạm Tùng
Đồng Nai được xem là “thủ phủ” khai thác đá xây dựng. Ảnh: Phạm Tùng

“Tắc” ở thủ tục khai thác khoáng sản

Tỉnh Đồng Nai hiện có 32 mỏ đá xây dựng với tổng diện tích hơn 1,1 nghìn ha có giấy phép khai thác, nhưng 80% số mỏ này đang vướng thủ tục pháp lý nên sản lượng khai thác, cung cấp ra thị trường chưa đáp ứng nhu cầu.

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay, diện tích các mỏ đã mở moong khai thác khoảng 660 ha, tổng trữ lượng được phê duyệt là 393 triệu m3. Trữ lượng còn lại đến cuối tháng 12/2024 còn khoảng 265 triệu m3. Trong 32 mỏ nói trên, có tới 26 giấy phép đang vướng thủ tục pháp lý liên quan đến việc cấp, gia hạn, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hợp đồng thuê đất; 5 giấy phép đã hết hạn, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ xin gia hạn nhưng phải chờ nghị định hướng dẫn thi hành Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024; 1 giấy phép chưa tiến hành khai thác do đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hợp đồng thuê đất.

Cũng theo ông Đức, ngoài những vướng mắc về thủ tục pháp lý, một số mỏ đá thuộc cụm mỏ Tam Phước - Phước Tân (TP. Biên Hòa) gặp vướng mắc vì chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, có mỏ gặp khó khăn ở khâu khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp, chuyển nhượng quyền khai thác nhưng chưa hoàn thành các thủ tục liên quan. Đơn cử, mỏ Thạnh Phú 3 được tỉnh Đồng Nai cấp phép khai thác năm 2018 với diện tích 25 ha, trữ lượng hơn 14 triệu m3, hiện đã mở moong 24 ha, trữ lượng đã khai thác hơn 9 triệu m3, diện tích còn lại khoảng 1 ha với trữ lượng còn lại hơn 5 triệu m3 nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý do gặp khó trong việc thỏa thuận thuê đất bởi một số quy định chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Khoáng sản.

Tương tự, tại mỏ Tân Cang 1, trữ lượng còn lại hơn 24 triệu m3. Chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục thỏa thuận bồi thường, hợp đồng thuê đất đối với phần diện tích đã hết hạn hơn 22 ha, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, nhưng gặp vướng mắc do chồng chéo quy hoạch xây dựng với thời hạn giấy phép khai thác được cấp. Các mỏ khác như mỏ đá Thạnh Phú 1 (trữ lượng còn lại khoảng 35,6 triệu m3) cũng đang thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thuê đất đối với phần diện tích gần 38 ha; mỏ đá Thiện Tân 2 đang thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thủ tục thuê đất đối với diện tích gần 2 ha.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trữ lượng còn lại của các mỏ đã được cấp phép cộng với khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản quy hoạch mới là có thể đảm đương cung cấp nguồn đá xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn. Tình trạng khan hiếm nguồn cung đá xây dựng hiện nay là do “tắc” ở khâu thủ tục khai thác khoáng sản.

Rốt ráo gỡ khó

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các cơ quan hữu trách tích cực, chủ động, quyết liệt giải quyết khó khăn, vướng mắc để tăng công suất khai thác mỏ, đảm bảo đá xây dựng cho các công trình ngay trong tháng 2/2025.

Theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chuẩn bị làm việc với chủ đầu tư các mỏ đá để hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ trước khi trình lãnh đạo Tỉnh duyệt làm cơ sở thực hiện thủ tục đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ông Đặng Minh Đức cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang rốt ráo hướng dẫn các chủ mỏ hoàn thành thủ tục đối với diện tích đã thỏa thuận chuyển nhượng, đã giải phóng mặt bằng và hướng dẫn thủ tục đưa vào danh mục thu hồi đất để thực hiện bồi thường diện tích còn lại để các huyện tập trung tối đa giải phóng mặt bằng. Sở đã làm việc với các chủ đầu tư dự án, các nhà thầu để tháo gỡ vướng mắc. Việc gỡ khó thủ tục liên quan đến các mỏ đá xây dựng sẽ có tiến triển rõ nét trong tuần tới.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhiều công trình hạ tầng trọng điểm như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 - TP.HCM, Cảng hàng không quốc tế Long Thành… Ngoài ra, nhiều công trình tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng dựa vào nguồn cung đá xây dựng từ các mỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nên áp lực cung cấp là rất lớn. Chỉ tính riêng nhu cầu đá xây dựng cho công trình Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong giai đoạn nước rút 2025 là 7,2 triệu m3 đá các loại, theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Hiện sản lượng nhập về công trường hơn 2,2 triệu m3, nhu cầu còn lại trong năm 2025 khoảng 4,9 triệu m3. ACV hy vọng Đồng Nai sớm có giải pháp gỡ khó, đốc thúc các chủ mỏ tăng công suất, ưu tiên nguồn đá xây dựng cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ông Ngô Thế Ân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, Ban đang thực hiện 22 dự án thuộc nguồn vốn đầu tư công và 38 dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp giao thông, trong đó có các dự án quan trọng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai… Năm 2025, Ban tập trung cao độ đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa các công trình, dự án trọng điểm về đích đúng kế hoạch. Ngoài khó khăn về mặt bằng thì vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng như cát, đá xây dựng đang đặt ra rất gay gắt, cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời để có đủ nguồn vật liệu cho nhà thầu thi công.

Sau Hội nghị thống nhất giải pháp đảm bảo vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm quốc gia mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng UBND tỉnh Đồng Nai đang vào cuộc mạnh mẽ để giải bài toán về nguồn đá xây dựng. Nhiều nhà thầu, chủ đầu tư tại Đồng Nai và các tỉnh phía Nam bày tỏ kỳ vọng sớm có đủ nguồn đá phục vụ thi công.

Tin cùng chuyên mục