Điểm sáng trong tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,77% . Ảnh: Lê Tiên |
Ấn tượng nhất là mức tăng trưởng GDP 7,46% trong quý III. Kết quả này đang tạo niềm tin sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.
Nhiều điểm sáng nhờ chỉ đạo điều hành
Theo công bố của TCTK, GDP 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK đánh giá, mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện. Đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.
Trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, điểm sáng trong tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,77% (cao hơn cùng kỳ năm 2016), đóng góp 2,15 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Kinh tế 9 tháng cũng có nhiều điểm sáng khác ghi nhận mức tăng trưởng bứt tốc và đạt mức cao. Điển hình như, việc chuyển đổi cơ cấu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã góp phần đưa giá trị của sản phẩm nông nghiệp, thủy sản tăng mạnh, đảm bảo chuyển đổi tiêu dùng các sản phẩm này.
Hiệu quả của Nhà nước kiến tạo đã tạo ra niềm tin trong sản xuất, kinh doanh. Diễn đàn Kinh doanh thế giới gần đây đã nâng thứ hạng cạnh tranh của Việt Nam lên 5 bậc, và tăng 20 bậc trong 5 năm qua.
Áp lực chuyển thành động lực
Với tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,41% thì để đạt mục tiêu tăng trưởng đã được Chính phủ đề ra, TCTK tính toán tốc độ tăng trưởng của quý IV phải đạt khoảng 7,31%. Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, xét chuỗi số liệu tăng trưởng trong quý IV của các năm từ 2011 - 2016 thì đây là mục tiêu khá cao, chưa có quý nào đạt được. Song, với những kết quả khả quan trong 9 tháng, đặc biệt với xu hướng phát triển tích cực trong quý III, cùng với sự chỉ đạo tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai có hiệu quả của bộ, ngành và địa phương thì mục tiêu tăng trưởng cả năm có khả năng đạt hoặc vượt mức 6,7%.
Kinh tế mặc dù có khởi sắc trong 9 tháng, nhưng TCTK cũng nhận định, Chính phủ vẫn phải quán triệt tinh thần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả để nền kinh tế tiếp tục có tăng trưởng. Nếu đã sớm thỏa mãn với kết quả của 9 tháng thì sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng chung.
Theo ông Lâm, vào thời điểm kết thúc quý I và tới 6 tháng đầu năm, TCTK vẫn cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 là cao và khó có khả năng đạt được. Song, chính áp lực về mục tiêu tăng trưởng đó đã trở thành động lực cho khu vực sản xuất kinh doanh. Áp lực đó đã tạo động lực cho các bộ, ngành, địa phương cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
TCTK đã có tính toán một số chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và nhận thấy có nhiều chỉ tiêu phản ánh chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh như năng suất các nhân tố tổng hợp, năng suất lao động, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đều có dấu hiệu tốt hơn so với các năm trước. Đây hoàn toàn là những động lực cho tăng trưởng – ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Bình luận thêm về việc cách đây vài ngày ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017 xuống còn 6,3%, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, dự báo của ADB thời điểm đó vẫn còn thiếu thông tin. ADB hạ dự báo tăng trưởng có thể là do thấy những dự báo từ bất ổn của khu vực và thế giới. Trong 10 điểm tạo rủi ro cho kinh tế thế giới thì Việt Nam có nhiều điểm rủi ro có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế như thời tiết, nước biển dâng, biến đổi khí hậu, môi trường…
Mặt khác, ở thời điểm đó, ADB cũng chưa có những thông tin, số liệu về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp trong nuôi trồng, chế biến thủy sản, thông tin tăng trưởng ngoạn mục của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là của các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn, sắt thép và một loạt sản phẩm khác có trọng số lớn trong công nghiệp chế biến, chế tạo.