Tín hiệu vui từ hoạt động đăng ký doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay trong tuần đầu tiên Nghị định số 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2020 có hiệu lực, đã có 18.000 hồ sơ được xử lý trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN). Trong đó có 2.100 DN ra đời, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật DN năm 2015. Đây là tín hiệu tốt dự báo một năm phát triển của DN Việt Nam.
Hoạt động đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được hiện đại hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Hoạt động đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được hiện đại hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Luật DN 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật có 5 cải cách quan trọng, bao gồm: Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường của DN; cải thiện khung khổ pháp lý về quản trị DN và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế; cải thiện khung quản trị của DN nhà nước phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; góp phần bổ sung kênh phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi hơn cho việc tổ chức lại và mua bán DN.

Để những quy định mới của Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, ngay trong quá trình xây dựng Luật, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động dự thảo nghị định hướng dẫn, trong đó có nghị định về ĐKDN.

“Ngày 4/1, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2021, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về ĐKDN. Đây là nghị định đầu tiên trong năm 2021 quy định về khởi sự kinh doanh”, ông Tuấn cho biết.

Đề cập về những điểm cốt lõi của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ông Tuấn cho biết, Nghị định quy định rõ ràng, cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục ĐKDN, đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm các thông tin phải kê khai nhờ tận dụng tối đa các thông tin sẵn có trong Hệ thống thông tin quốc gia về ĐKDN và các hệ thống thông tin đã kết nối. Bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết như: công bố con dấu, thông báo thay đổi thông tin người quản lý DN…

Nghị định tiếp tục hiện đại hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ về ĐKDN với việc nâng cấp toàn bộ quy trình ĐKDN qua mạng điện tử với tốc độ cao nhất để đảm bảo tất cả nhiệm vụ ĐKDN được thực hiện ở cấp độ 4, giảm thời gian, chi phí cho DN, góp phần xây dựng hệ thống ĐKDN minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu sự can thiệp của con người vào quá trình xử lý nghiệp vụ. Quy định công khai hóa các thông tin về DN trên Cổng thông tin quốc gia về ĐKDN nhằm giúp người dân, DN tiếp cận được những thông tin chính thống, có giá trị pháp lý, tăng khả năng giám sát của cộng đồng, góp phần nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh.

Nghị định bổ sung thêm cộng đồng DN mới sẽ thực hiện đăng ký thành lập tại cơ quan đăng ký kinh doanh như các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… nhằm phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021.

Nghị định cũng quy định xử lý các vi phạm hành chính nhằm nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm trong ĐKDN, đặc biệt là xử lý triệt để tình trạng kê khai không trung thực, không chính xác, hoặc giả mạo hồ sơ, cũng như xử lý các DN bỏ trốn, mất tích gây bức xúc trong thời gian qua.

Nghị định hoàn thiện một bước về khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh, đó là thể chế hóa các quy định về hộ kinh doanh mà trước đó dự kiến đưa vào Luật DN năm 2020. Nghị định xác định rõ chủ thể thành lập hộ kinh doanh phù hợp với Bộ luật Dân sự, phân tách rõ quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh và thành viên hộ gia đình, đảm bảo quyền kinh doanh và nghĩa vụ của hộ kinh doanh, quy định tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN.

Để cải thiện toàn bộ quy trình thủ tục gia nhập thị trường của DN, ngày 15/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP nhằm tích hợp liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN. Theo đó, 4 quy trình này được tích hợp thành 1 và được thực hiện tại cơ quan ĐKKD. “Điều này góp phần cải thiện đáng kể chỉ số gia nhập thị trường với 8 thủ tục và 16 ngày còn 3 thủ tục và 6 ngày, góp phần tạo nên bước tiến lớn trong khởi sự kinh doanh ở Việt Nam”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trước khi Luật DN năm 2020 có hiệu lực, tất cả các phòng đăng ký kinh doanh trên cả nước đã được tập huấn đầy đủ các quy định mới của Luật DN. Cuốn cẩm nang về Luật cũng đã được biên soạn gửi tới các phòng đăng ký kinh doanh trên cả nước. Bên cạnh đó, Cục đã thiết lập đường dây nóng hướng dẫn các địa phương trong những ngày đầu thực hiện Luật.

Với nỗ lực không ngừng trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, năm 2021 được kỳ vọng sẽ là năm phát triển mạnh mẽ của DN Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục