Tính đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh Quảng Nam có 917 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN của 13.705 lao động từ 3 tháng trở lên với số tiền nợ lên tới gần 49,8 tỷ đồng. Ảnh Internet |
Theo ông Phạm Văn Lại – Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, đây là một trong những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Tỉnh thời gian qua. Trước đó, tính đến hết năm 2018, cả Tỉnh có tới 1.729/6.300 doanh nghiệp với trên 36.000 lao động chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của một số đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước. Mặt khác, một số đơn vị khó thu vì giải thể, phá sản, mất tích, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... Trong khi đó, công tác khởi kiện các đơn vị có nợ đọng vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về thẩm quyền và thủ tục pháp lý để Tòa án xét xử; sự hạn chế của công đoàn cấp cơ sở khi hưởng lương từ chủ sử dụng lao động...
Lý giải thêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cho rằng, đa số doanh nghiệp trên địa bàn đều thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ, tình hình sản xuất kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn nên chậm trễ, tham gia chưa đầy đủ, thậm chí trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Cùng với đó, theo phản ánh của BHXH tỉnh Quảng Nam, tình trạng quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT liên tục bị bội chi kéo dài trong nhiều năm. Chẳng hạn như, năm 2016 là 336 tỷ đồng (bằng 33,14% quỹ KCB BHYT); năm 2017 là 621,391 tỷ (bằng 61,39% quỹ KCB); năm 2018 là 595,452 tỷ đồng (chiếm 31,8% số dự toán chi KCB BHYT do Chính phủ giao). Nguyên nhân của tình trạng này, đại diện BHXH tỉnh Quảng Nam cho rằng, là do tăng giá dịch vụ y tế và chi phí sử dụng thẻ BHYT của tỉnh Quảng Nam đến KCB đa tuyến ở các cơ sở y tế ngoài Tỉnh (TP. Đà Nẵng...) chiếm tỷ lệ cao, ảnh hưởng đến việc cân đối nguồn quỹ KCB BHYT của địa phương.
Ghi nhận những phản ánh của địa phương, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát thuộc Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam vào ngày 15/7, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn cho rằng, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam cần tập trung phân tích nguyên nhân, có những giải pháp kiên quyết để đẩy nhanh tốc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm. Đồng thời giải quyết triệt để tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, cũng như tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT... Cơ quan BHXH cũng phải chủ động thông tin đến lãnh đạo Tỉnh, các sở ngành để tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.