Các vướng mắc trong việc thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ đến được xử lý ngay lập tức qua các số điện thoại hotline |
Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời là Tổ trưởng Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư Bùi Quang Vinh. Đặc biệt, việc công bố số điện thoại hotline của các nhóm công tác sẽ được thực hiện trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài và các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo các vướng mắc trong thực thi hai luật này sẽ đến được địa chỉ xử lý.
“Khi 2 luật này được ban hành, chúng ta đã lường trước sẽ có vướng mắc do cách tư duy, cách tiếp cận của chúng khác với những luật khác. Chúng ta muốn thay đổi, muốn kéo các luật khác thay đổi theo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng thì phải chấp nhận vướng mắc trong thực thi, sẽ bình tĩnh để xử lý”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chỉ đạo.
Đặc biệt, Tổ công tác sẽ có các nhóm làm việc theo từng nội dung, với cơ chế độc lập, đảm bảo các vấn đề được xử lý rốt ráo. “Có thể sẽ phải đến làm việc với từng bộ, ngành để cùng tìm giải pháp. Đơn cử, các văn bản quy định điều kiện kinh doanh do các bộ trưởng ban hành sẽ được xử lý thế nào trước ngày 1/7/2016 tới, khi mà sẽ có hàng ngàn văn bản phải chỉnh sửa. Có thể có một nghị định sửa toàn bộ các văn bản này hay không? Tổ sẽ phải đề xuất các giải pháp để vừa tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, nhưng không gây phương hại đến quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Vinh giao việc.
Đây sẽ là công việc không đơn giản. Bởi cho đến nay, việc rà soát các điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền của các bộ, ngành khá chậm chạp. Số bộ, ngành hoàn tất chưa kín một bàn tay, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước.
Đó là chưa kể một số bộ, ngành trong thời gian vừa qua vẫn ban hành các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền. Như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 3/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán…
Đặc biệt, phát sinh rất lớn đang nằm ở các nội dung cần sự phối hợp giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Tổ công tác cho biết, vướng mắc lớn và gây khó khăn nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư là việc thực thi các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh, ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
“Chúng tôi đang nhận được câu hỏi có cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho ngành nghề sản xuất, kinh doanh nọc côn trùng không, đây có phải là hóa chất bị cấm không? Cho đến giờ, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có câu trả lời. Trong khi theo quy định của Luật Đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền từ chối yêu cầu của nhà đầu tư với các ngành nghề chưa có trong các danh mục trên. Nhưng trong trường hợp này, cơ quan đăng ký kinh doanh ở địa phương chưa dám trả lời”, ông Hùng đơn cử một ví dụ.
Cho đến thời điểm này, hơn 6 tháng sau khi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, 16 trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn chưa được các bộ, ngành ban hành.