Tòa tuyên án với ông Đinh La Thăng

Tại bản án tuyên chiều nay, TAND Hà Nội nhận định ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính khi PVN mất 800 tỷ đồng vốn góp vào Oceanbank.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN.
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN.

Theo bản án, qua năm ngày xét xử, quá trình thẩm vấn thể hiện, từ tháng 9/2008, ông Đinh La Thăng khi đó là Chủ tịch HĐQT PVN đã chỉ đạo và quyết định để tập đoàn này góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Ông Thăng bị cáo buộc biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, biết theo các quy định pháp luật khi muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng này phải báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Thủ tướng trước khi ký Thỏa thuận và ban hành nghị quyết góp vốn. Tuy nhiên, cựu chủ tịch PVN đã cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định của Nhà nước.

Ông Thăng bị cho rằng đã thực hiện nhiều vi phạm sau đó mới báo cáo Thủ tướng và các cơ quan có liên quan nhằm hợp thức hóa. Thực hiện chỉ đạo và chủ trương của ông Thăng là các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức lúc ấy là thành viên HĐTV PVN cùng ông Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh (thời điểm đó giữ chức Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng).

Do Oceanbank mắc nhiều sai phạm và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại giá 0 đồng vào giữa năm 2015, 800 tỷ đồng vốn góp của PVN tại đây bị mất. Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại 800 tỷ đồng, theo nhà chức trách do hành vi trái pháp luật của ông Đinh La Thăng và các bị cáo đồng phạm.

Toà nhận định từ lần ký thỏa thuận, ông Thăng đã không xin ý kiến Thủ tướng, không thông qua HĐQT. Những lần góp vốn 400 tỷ, 300 tỷ (đợt 1 và 2) cũng không chờ ý kiến của Chính phủ.

Từ kết quả điều tra và xét hỏi, TAND Hà Nội cho rằng có đủ cơ sở kết luận ông Đinh La Thăng có thẩm quyền cao nhất tại PVN, có trách nhiệm quản lý, bảo toàn và phát triển vốn do Nhà nước giao, nhưng đã chỉ đạo và quyết định góp vốn vào Oceanbank trái quy định của pháp luật.

Lợi nhuận của Oceanbank là ảo

Theo bản án, lần thứ ba, PVN góp 100 tỷ, nâng số tiền vốn ở Oceanbank lên 800 tỷ. Việc này được các thành viên Hội đồng thành viên PVN là Nguyễn Xuân Thắng, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm đã biểu quyết đồng ý, sau đó ông Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh ký duyệt chi tiền. Đợt góp vốn này đã làm số vốn của PVN chiếm 20% vốn điều lệ Oceanbank - trái quy định của luật về tín dụng chỉ cho phép tối đa 15%.

Tòa kết luận, ông Thăng dù đi công tác vào lúc nghị quyết góp vốn lần ba được ký nhưng sau khi về đã biết mà không có chỉ đạo gì, lại quyết định cử người đại diện 20% vốn của PVN ở Oceanbank. Như vậy xuyên suốt từ chủ trương, đến ba lần góp vốn, PVN đã mất 800 tỷ khi Oceanbank làm ăn thua lỗ. Hành vi của ông Thăng là cố ý làm trái.

Theo toà, quan điểm cho rằng PVN không có thiệt hại trong hành vi góp vốn vì vẫn được chi cổ tức hàng năm là không có căn cứ. Bởi báo cáo của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho thấy Oceanbank làm ăn lỗ ở thời gian PVN góp vốn. "Báo cáo tài chính hàng năm của ngân hàng này là không chính xác, phản ánh không trung thực hiện trạng kinh doanh. Lợi nhuận của PVN theo báo cáo tài chính của Oceanbank là ảo", bản án nêu.

PVN không thể thoái vốn vì Oceanbank không có tiền trả

Toà bác quan điểm bào chữa cho rằng PVN mất 800 tỷ là do Oceanbank bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc giá 0 đồng. Toà khẳng định PVN mất vốn do hành vi làm trái của các bị cáo.

Việc kiến nghị xem xét quyết định mua 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước với Oceanbank, theo HĐXX không đồng nghĩa với "việc mua này là sai và vốn điều lệ của Oceanbank" vẫn còn.

Bản án cho rằng giả sử Chính phủ đồng ý cho PVN thoái vốn thì Oceanbank cũng không có khả năng trả. "Mà giả sử PVN thoái vốn thành công thì thiệt hại cũng chuyển sang cho một công ty khác mà thôi", TAND Hà Nội nhận định.

Tin cùng chuyên mục