Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp); Mong Văn Tình (Nghệ An); Nguyễn Lân Hiếu (An Giang); Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An); Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình); Phạm Văn Tuân (Thái Bình); Cao Thị Xuân (Thanh Hóa); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên); Hoàng Văn Cường (Hà Nội); Lê Thanh Vân (Cà Mau);... chất vấn các nội dung: Giải pháp đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử; giải pháp xử lý bất cập xã hội hóa truyền hình, truyền hình thương mại "lấn lướt" truyền hình công; giải pháp xử lý một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí (thông tin giật gân, câu khách, thông tin chưa chính xác, thiếu kiểm chứng, sai sự thật, chưa đúng tôn chỉ mục đích,...); giải pháp ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, sai sự thật, gây nguy hại trên mạng internet; cách phân loại thông tin độc hại để quản lý, tránh ngăn chặn thông tin phản biện; giải pháp đột phá để kiểm soát thông tin mạng (đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, nói xấu cá nhân, tổ chức);...
Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn với cải cách hành chính
Trả lời chất vấn của các đại biểu về hiệu quả đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, kinh phí chi cho ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, tại quyết định 1605 của Thủ tướng phê duyệt chương trình ứng dụng CNTT cho cơ quan Nhà nước trong giai đoạn này đã xác định kinh phí thực hiện là 1.700 tỷ đồng.
Bộ TT&TT đề nghị Bộ KHĐT, Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí cho chương trình này. Nhưng do khó khăn về vốn nên kinh phí bố trí hạn chế. Năm 2011 là 110 tỷ đồng, năm 2012 là 100 tỷ đồng, năm 2013 là 70 tỷ đồng, năm 2014 là 100 tỷ đồng, năm 2015 cũng khoảng 100 tỷ đồng.
Do mức vốn thực tế được bố trí thấp hơn nhiều so với yêu cầu, đạt 29% so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ nên các dự án mang tính chất quốc gia được nêu trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ được triển khai chậm hoặc không được triển khai.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020, trong đó chương trình mục tiêu về CNTT là 7.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 2.170 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo thông báo của Bộ KHĐT, kinh phí bố trí cho chương trình từ nguồn ngân sách Trung ương chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu.
Kinh phí bố trí giảm lớn như thế nên trong giai đoạn đến năm 2020 khó hoàn thành ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Các cơ sở dữ liệu thông tin, ứng dụng điện tử triển khai chậm hoặc triển khai không đồng bộ.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, số liệu đại biểu nêu ra bao gồm kinh phí cho kết cấu hạ tầng khác, trong đó chi phí cho viễn thông rất lớn.
Bộ TT&TT nhất trí ý kiến của đại biểu về đánh giá ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính.
Thực tế thì ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử chưa gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế ở các bộ ngành, địa phương, Bộ trưởng nêu rõ.
Lấy báo chí làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc xử lý người dùng mạng xã hội nặc danh, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trên phương diện truyền thông, Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng có văn phòng đại diện, có quan hệ hợp tác với Việt Nam và yêu cầu các nhà mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Sự hợp tác này bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Hiện đã gỡ được trên 5.000 clip có thông tin xấu, độc hại, chống phá lợi ích của Nhà nước Việt Nam… trên Youtube.
Lý giải về việc số lượng clip được gỡ này còn ít, Bộ trưởng nêu rõ, các nhà mạng cho biết cứ mỗi phút đồng hồ trôi qua thì thời lượng clip tung lên mạng xã hội tương đương với khoảng 48 giờ đồng hồ nên bản thân họ cũng không thể kiểm soát được. Nếu phía Việt Nam thấy có vi phạm pháp luật của Việt Nam thì chuyển cho nhà mạng, họ xử lý.
Hiện nay, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang làm việc tiếp với Youtube để có bộ chặn lọc; đồng thời rà soát hệ thống pháp luật, có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm trên mạng xã hội.
Để hạn chế tình trạng thông tin xấu, độc tràn lan trên mạng xã hội thì một giải pháp cũng đã được nêu trong Báo cáo của Bộ TT&TT là thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, thực hiện chính sách hỗ trợ các trang mạng do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp thì phải ưu tiền đồng bộ cả tài chính, thuế, giảm thủ tục hành chính, cũng như có chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp thông tin số. Có như vậy mới hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh ở Việt Nam, và khi đó mới có cơ sở để doanh nghiệp Việt phát triển trang mạng thay thế facebook, youtube trong 5 - 7 năm tới.
Bộ trưởng cũng cho rằng, phải có sự chung tay của 4 nhà: Nhà cung cấp hạ tầng viễn thông – nhà mạng xã hội - nhà quảng cáo và nhà phát triển nội dung trong nước thì mới hy vọng xây dựng hệ thống sinh thái số Việt Nam.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, phải lấy báo chí làm hạt nhân dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực. Báo chí phải định hướng và tuyên truyền thông tin tốt, để thông tin tốt ngày càng phát triển và hạn chế nhiều hơn thông tin xấu. Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho rằng, dù ngành TT&TT có tích cực, làm nhiều hơn nữa cũng không thể tránh khỏi sai sót, không thể hoàn thiện đầy đủ. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm giám sát và chỉ ra các hạn chế để ngành TT&TT tiếp tục vươn lên, thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước của mình.
Năng lượng đen, năng lượng xấu ảnh hưởng lớn đến môi trường mạng
Trả lời chất vấn về tình trạng thông tin giả, xấu, độc trên mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, mạng xã hội khi ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Vai trò của mạng xã hội và internet nói chung không ai có thể phủ nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích rất lớn, thì những tác hại của mạng xã hội đem lại cũng không nhỏ. Đó là những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc tôn giáo… ngày càng phát triển nhiều hơn.
Có ý kiến cho rằng, mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng nữa không? Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận rõ, phải xem mạng xã hội là phương tiện, công cụ cho người dùng. Không thể coi mạng xã hội là xấu, vấn đề là ý thức của người dùng mạng xã hội như thế nào.
Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam hiện có khoảng 53 triệu người dùng Facebook, 70% người dân sử dụng internet, chỉ có một bộ phận nhỏ sử dụng mạng xã hội để “ném đá”, nói xấu, xúc phạm nhau.
Tuy nhiên, “năng lượng đen”, “năng lượng xấu” của một bộ phận rất ít người dùng này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội.
Bộ trưởng cũng chỉ ra một thực tế là, nếu nói tốt ở trên mạng xã hội thì ít người quan tâm, nhưng xúc phạm nhau thì rất nhiều người quan tâm. Đây là vấn đề nhức nhối.
Từ năm 2014 đến nay, có ít nhất 6 trường hợp đã tự tử vì bị bôi nhọ, “ném đá tập thể” trên mạng xã hội. Điều này đã dẫn đến tình trạng năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã làm việc với rất nhiều cơ quan có liên quan để phối hợp xử lý, tăng cường năng lượng tốt trên mạng xã hội, giảm bớt năng lượng xấu, và hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội.
Cụ thể là, Bộ TT&TT đã tăng cường cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tuyên truyền, làm rõ tiện ích, vai trò to lớn của mạng xã hội, đồng thời cũng làm rõ hạn chế của mạng xã hội.
Bộ cũng đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài yêu cầu khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ TT&TT đã yêu cầu gỡ bỏ khoảng gần 5.000 clip trên youtube khi những clip này xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân.
Cùng với đó là tăng cường hoạt động của mạng xã hội trong nước. Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để tăng cường tuyên truyền trên báo chí, đầy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.
Báo chí phải dẫn dắt, định hướng những thông tin đúng trên mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Những sai phạm không làm biếu dạng dòng chảy chính của báo chí
Trả lời chất vấn về tình trạng báo chí vi phạm tràn lan, đưa tin sai sự thật, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, vai trò của báo chí từ trước đến nay đã được thể hiện rõ ràng, không có báo chí mọi hoạt động của xã hội không thể được phản ánh đầy đủ.
Từ khi Đảng thành lập đến nay, báo chí luôn đồng hành và phản ánh mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước nhân dân. Những nơi khó khăn nhất đều có vai trò của báo chí. Báo chí đi tiên phong, góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của đảng, đưa đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Có thể nói, báo chí đóng góp rất lớn, các thành công của Đảng, của đất nước đều có vai trò của báo chí.
Thừa nhận sai phạm của báo chí vừa qua là rất lớn, đây cũng là vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây, nhưng Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, những sai phạm này không làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí cách mạng Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng, Luật Báo chí năm 2016 khẳng định quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, nhưng cũng quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan báo chí. Việc đăng tải thông tin sai lệch, gây hoang mang trong nhân dân là hành vi bị cấm.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT&TT thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là quy định liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí, và hoạt động báo chí.
Năm 2016, Bộ TT&TT đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính với gần 150 cơ quan báo chí. Năm 2016 là năm Bộ xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay. Trong đó, vi phạm đưa thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ lớn. Đưa thông tin gây phương hại đến lợi ích của quốc gia có 2 cơ quan báo chí bị xử lý. Có thời điểm trong một tháng có 70 cơ quan báo chí bị xử lý về đưa thông tin sai sự thật, trong đó riêng vụ nước mắm có 50 cơ quan báo chí bị xử lý, vụ cháu bé tự tử ở Gia Lai có 12 cơ quan báo chí bị xử lý. Như vậy việc tăng cường xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc, mọi hành vi cố ý hay vô tình xâm hại lợi ích quốc gia đều được xử lý nghiêm.
Trong các cuộc giao ban báo chí hàng tuần, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu các cơ quan báo chí thực hiện đúng quy định pháp luật về nội dung thông tin, bảo đảm thông tin khách quan, chính xác và kịp thời.
Tới đây, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cam kết, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vưc báo chí; rà soát lại việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; rà soát lại việc cấp thẻ nhà báo, khi không đủ yêu cầu thì phối hợp với cơ quan báo chí rút thẻ nhà báo với trường hợp cần thiết.
Chương trình xã hội hóa không lấn át chương trình thiết yếu
Về vấn đề xã hội hóa truyền hình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Các chương trình truyền hình liên kết hầu hết là các chương trình giải trí. Xu hướng chung là tăng cường giải trí xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc phối kết hợp với văn hóa hiện đại.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều chương trình có vấn đề, cách đây mấy năm sai phạm ở trong chương trình xã hội hóa còn nhiều.
Gần đây hầu hết các đài đã có quy trình chuẩn hơn, chấn chỉnh lại quá trình xã hội hóa từ quy trình kiểm duyệt do đó mức độ vi phạm giảm.
Bộ TT&TT cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý, nhắc nhở với chủ trương các chương trình xã hội hóa không lấn át chương trình thiết yếu.
Hầu hết các bộ ngành đã cung cấp dịch vụ công mức 3, 4
Trả lời câu hỏi của đại biểu về xây dựng chính phủ điện tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Trong những năm qua việc thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử và Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, hoạt động ứng dụng CNTT được đẩy mạnh tại các Bộ ngành.
Trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, BHXH, việc triển khai chính phủ điện tử đã mang lại kết quả khả quan, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao đã được các Bộ ngành triển khai, giúp hiệu quả hơn trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Bộ trưởng cho biết, hơn 1 năm trước các bộ ngành hầu hết cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2 nhưng đến nay hầu hết đã triển khai ở mức độ 3 và mức độ 4, người dân và doanh nghiệp đã giảm được nhiều thời gian, đem lại hiệu quả cao. Trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến BHXH, trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến ở các bộ ngành khác đã được xử lý qua mạng.
Bộ trưởng khẳng định để tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử các ngành, các cấp đã vào cuộc, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều hạn chế. Có những dịch vụ công trực tuyến chỉ phục vụ văn thư lưu trữ. Việc quản lý văn bản tại nhiều nơi chưa mang lại hiệu quả cao, chưa thực hiện chức năng quản lý điều hành. Một số nền tảng chậm được triển khai...
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chủ yếu là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm việc xây dựng Chính phủ điện tử ở địa phương và cơ quan mình, kinh phí đầu tư cho xây dựng và điều hành không đáp ứng nhu cầu bố trí của địa phương, dẫn đến lộ trình nội dung triển khai không theo kế hoạch, thậm chí triển chồng chéo, không đồng bộ, do thiếu nhân lực nên việc triển khai cũng không thống nhất.
Bên cạnh đó, hiện nay nhân lực CNTT ở các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Một số Văn bản QPPL chưa được hoàn thiện. Ngay cả công tác tuyên truyền thông tin còn hạn chế.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Bộ trưởng cho biết: Chính phủ đã chỉ ra một số nhiệm vụ trọng tâm có tính chất đột phá: Thực hiện nghiêm Nghị quyết 19 trong đó có việc cải thiện ứng dụng CNTT, nâng cao năng lực quốc gia, thực hiện Quyết định 714 của Chính phủ, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Nội vụ tăng cường thực hiện trong các cơ quan nhà nước, phối hợp với các địa phương, hoàn thành văn bản pháp luật.
Xác định cải cách thủ tục hành chính là xu thế trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, ứng dụng điện toán đám mây, bigdata, đô thị thông minh…. Xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử, hiện nay đã có khung kiến trúc Chính phủ điện tử với phiên bản 1.0, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4.
Quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội
Trước khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã có báo cáo giải trình về một số nội dung chất vấn được gửi đến Bộ TT&TT trước phiên chất vấn này.
Liên quan đến giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra trước đây các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng gần như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, như: Tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng. Tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.
Đối với trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng vi phạm: tuỳ theo mức độ, Bộ TT&TT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kỹ thuật, áp dụng theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền...
Trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm, Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook,... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xác định hành vi, đối tượng và ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ẩn danh tính hoặc đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trên Internet và mạng xã hội. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, kịp thời bổ sung, xây dựng các văn bản mới và xây dựng cơ chế chính sách về thông tin điện tử cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng hiệu quả quản lý, bổ sung các chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn.
Xây dựng chính sách quản lý nội dung thông tin trên mạng theo kịp với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của các công nghệ mới.
Nghiên cứu phương án xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo; công cụ đánh giá truy cập website để làm căn cứ thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet.
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng về các quy định của pháp luật có liên quan nội dung thông tin trên mạng.
Thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ.
Tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp với các bộ, ngành chức năng để xử lý các thông tin vi phạm chuyên ngành liên quan đến thuế, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử.
* Trong nhóm vấn đề thứ 3, các đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.
Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình.
Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).
Buổi chiều, từ 14h00 đến 16h50 (giải lao từ 15h30-15h50), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 3.
Từ 16h50 đến 17h00, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.