Tồn kho đường cao kỷ lục

Đường nhập lậu từ Thái Lan ồ ạt đổ qua biên giới với giá bán rẻ hơn vài nghìn đồng so với doanh nghiệp trong nước khiến lượng đường tồn kho tăng cao kỷ lục.
Đường nhập lậu từ Thái Lan tăng mạnh khiến sản lượng tồn kho trong nước lên mức kỷ lục.
Đường nhập lậu từ Thái Lan tăng mạnh khiến sản lượng tồn kho trong nước lên mức kỷ lục.

Đường nhập lậu từ Thái Lan ồ ạt đổ qua biên giới bằng nhiều hình thức tinh vi, địa bàn rộng khắp và giá bán rẻ hơn vài nghìn đồng so với doanh nghiệp trong nước khiến lượng đường tồn kho tăng cao kỷ lục. 

Phát biểu tại hội nghị “Giải pháp tiêu thụ đường bền vững” vừa diễn ra tại TP HCM, ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết lượng đường tồn kho tại thời điểm cách đây một tuần đã xấp xỉ 750.000 tấn, trong đó tồn kho tại nhà máy chiếm khoảng 90%. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay của ngành mía đường Việt Nam, cho thấy một niên vụ diễn biến không bình thường. 

Ông Doanh nhận định, ngoài yếu tố khách quan là ảnh hưởng của thời tiết khiến các nhà máy đường vào vụ ép chậm hơn so với kế hoạch nên sản lượng dồn nhiều vào giai đoạn cuối thì tình hình nhập lậu từ Thái Lan diễn biến ngày càng phức tạp mới là nguyên nhân chính của vấn đề này. 

“Trước đây, hoạt động nhập lậu chỉ tập trung ở biên giới các tỉnh phía Nam nhưng hiện đã lan rộng ra miền Bắc. Từ vận chuyển bằng xe máy thì nay có thêm ghe tàu qua đường sông, cảng biển để sau đó đưa đi tiêu thụ bằng xe tải vài chục tấn”, vị này nói và khẳng định hàng tồn kho là khó khăn thật của doanh nghiệp, không có chuyện đầu cơ để nâng giá. 

Hiện giá bán buôn đường nhập lậu của Thái Lan thấp hơn đường sản xuất trong nước khoảng 1.000-2.000 đồng một kg. Nhiều doanh nghiệp mía đường đều dự báo khoản chênh lệch này có thể tiếp tục bị nới rộng do Thái Lan áp dụng bảo hộ xuất khẩu đối với mặt hàng này. Điều này sẽ càng khiến sản phẩm của doanh nghiệp trong nước bị giảm sức cạnh tranh và tiêu thụ chậm.

Trong năm 2015, đường nhập khẩu từ Thái Lan vào khoảng 382.000 tấn, tương đương 1/3 sản lượng các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Theo ước tính của Hiệp hội Mía đường, mỗi bao đường 50 kg được vận chuyển thành công, thương lái lãi khoảng 40.000-50.000 đồng.

Ông Đặng Phú Quý, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Quảng Ngãi cho rằng, lượng đường tồn kho tăng đột biến còn xuất phát từ việc sản lượng xuất khẩu của Thái Lan sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh do bị kiểm soát chặt chẽ, trong khi chính sách của Việt Nam “mềm dẻo” hơn nên đường liên tục tràn vào. 

Bên cạnh đó, gian lận thương mại ngày càng tinh vi cũng tác động không nhỏ đến hoạt động của ngành mía đường trong thời gian gần đây. Một số trường hợp được phát hiện cho thấy, nhiều cơ sở không có nhà máy và nguyên liệu đầu vào nhưng vẫn đăng ký kinh doanh với chức năng sản xuất và chế biến đường nhằm mục đích sang chiết vào các túi nhỏ khoảng 0,5-1 kg; hoặc mua và dùng chứng từ của những công ty nhập khẩu đường chính thức trong hoặc ngoài hạn ngạch thuế quan để khai báo xuất xứ hàng xoá.

Đề xuất hướng giải quyết cho tình trạng này, đại diện Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh cho biết đã đặt vấn đề mua lại số đường nhập lậu mà cơ quan chức năng tịch thu với 5 tỉnh. Doanh nghiệp này yêu cầu các tỉnh giảm 10% thuế giá trị gia tăng và 20-25% cho chi phí bốc dỡ, đồng thời thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản nhưng chỉ doanh nghiệp có nhà máy đủ khả năng chế luyện và đảm bảo chất lượng mới được tham gia nhằm loại trừ những tiểu thương muốn sang chiết và phân phối hàng trôi nổi. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh đều không ủng hộ phương án này mà vì lý do muốn tăng giá khởi điểm và làm đúng luật định.  

Ngoài một số giải pháp được đề xuất như kiến nghị Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) tăng cường tuần tra và xử lý quyết liệt hàng nhập lậu, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, cải thiện mạng lưới phân phối… thì không ít doanh nghiệp cũng bày tỏ ý định điều chỉnh giá giảm bán để thu hẹp chênh lệch giữa đường trong nước và nhập lậu. Đây được xem là biện pháp khả thi để hạn chế sự tác động của đường nhập lậu, nhưng cần thêm thời gian cân nhắc kỹ lưỡng và triển khai đồng loạt nhằm tránh ảnh hưởng trực tiếp đến giá thu mua nguyên liệu của nông dân. 

Tin cùng chuyên mục