Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị của Ban chấp hành Trung ương. |
Ngày 23/4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc về tình hình, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, ổn định phát triển kinh tế - xã hội và một số nội dung quan trọng khác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.
Kết quả chống dịch Covid-19 củng cố niềm tin trong dân
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại tiến trình cuộc chiến chống dịch Covid-19, ba tháng qua. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị nhất trí cao với những đánh giá về tình hình, kết quả đạt được trong “cuộc chiến” chống Covid-19; đồng thời đề xuất các giải pháp vĩ mô nhằm điều hành hiệu quả, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm khắc phục những ảnh hưởng do đại dịch gây ra.
Đồng tình cao với việc triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, các ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, cần đánh giá toàn diện tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, từ đó có những bước đi phù hợp, lới lỏng từng phần cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, nếu không xử lý tốt việc này, dân sẽ khó khăn.
Các ý kiến nhất trí cao việc Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Việc điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu không chỉ nhằm ứng phó trong giai đoạn trước mắt, mà cần tính đến lâu dài trên cơ sở dự báo tình hình sắp tới, đặt trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi lớn.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn đánh giá của Liên hợp quốc, “đại dịch Covid-19 là phép thử lớn nhất kể từ khi thành lập Liên hợp quốc, làm rung chuyển thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của loài người”. Theo đó, hệ lụy của dịch với những dự báo có thể còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kết quả chúng ta làm được trong phòng chống dịch Covid-19 vừa rồi là rất mừng, qua đây củng cố niềm tin trong dân, tăng thêm uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, dân tin Đảng, tin chế độ, thể hiện qua nhiều bài thơ, bài hát đi vào lòng người. Kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, từ cụ già tới em nhỏ”.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc chiến chống đại dịch, không nên quá hốt hoảng đến mức không dám làm gì, nhưng tuyệt đối không được chủ quan, cần phân tích làm rõ ưu điểm, hạn chế, dự báo tình hình không để bị động bất ngờ, đúng tinh thần chống dịch như chống giặc.
Chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển, đời sống nhân dân được bảo đảm, chống dịch phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại.
“Quan trọng nhất là đồng tâm nhất trí, trên dưới một lòng, làm sao lan tỏa tinh thần này tới các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước” – người lãnh đạo đứng đầu Đảng nói.
Chuẩn bị nhân sự Đại hội là chọn cán bộ chủ chốt, đứng đầu
Về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, công tác nhân sự phức tạp, khó hơn, nhạy cảm hơn công tác chuẩn bị văn kiện đại hội. Cần tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra định hướng để làm cho tốt, để chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Người đứng đầu Đảng đề cập 4 nội dung công tác nhân sự, đó là vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự đại hội; yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự Đại hội XIII; nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành; trách nhiệm của Trung ương.
Tổng Bí thư phân tích, chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu. Nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ. Trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương là phải làm việc này cho tốt.
Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải xác định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, cơ cấu đẹp nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn, trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng thì chất lượng là quan trọng. Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới làm tốt công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng, “dưới có vững thì trên mới bền chắc được”.
Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của Đảng, của đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khái quát, công tác nhân sự là công tác vô cùng quan trọng, nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ chính sách… dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm khách quan. Trong quá trình lựa chọn phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tiêu chuẩn, hiệu quả, uy tín của bản thân trong công việc… làm thước đo chủ yếu. Phải bố trí đúng người đúng việc, tạo ê kíp ăn ý, đoàn kết thống nhất tạo nên sức mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: "Cần nêu cao vai trò của tổ chức Đảng, tránh giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức đủ tài dẫn đến hại nước hại dân. Trong từng khâu, từng công đoạn phải làm thật chắc chắn, khoa học, đồng bộ, tránh tối đa sai sót, làm đến đâu chăn chắn đến đó, đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong…".