Nhiều gói thầu do Tổng công ty Đường sắt làm chủ đầu tư không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, văn bản này lại né tránh, không trả lời trực tiếp về các vi phạm tại những gói thầu do TCT Đường sắt làm chủ đầu tư.
Hỏi một nơi, trả lời một nẻo!
Như Báo Đấu thầu đã phản ánh, hiện nay, rất nhiều gói thầu do TCT Đường sắt làm chủ đầu tư, giao cho các đơn vị trực thuộc mời thầu đã không thực hiện công khai kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT). Chẳng hạn, chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Công ty CP Đường sắt Hà Lạng đã thông báo mời thầu 16 gói thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi trong nước nhưng hiện chưa công khai bất kỳ KQLCNT nào. Đường sắt Hà Lạng cũng chỉ là 1 trong nhiều bên mời thầu thuộc TCT Đường sắt vi phạm quy định về công khai KQLCNT. Cá biệt, trường hợp Công ty CP Đường sắt Hà Hải còn không thông báo mời thầu Gói thầu Mua sắm máy móc thiết bị phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt của Công ty CP Đường sắt Hà Hải.
Với vai trò là chủ đầu tư của các gói thầu, nhưng trong văn bản trả lời Báo Đấu thầu, TCT Đường sắt né tránh nêu ra ý kiến, biện pháp xử lý và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật về đấu thầu khá phổ biến nêu trên. Tại văn bản gửi Báo Đấu thầu, TCT Đường sắt phúc đáp như sau: “Đối với những nội dung Báo nêu, hiện nay, Thanh tra Bộ GTVT đang triển khai công tác thanh tra về trình tự, thủ tục mua sắm, đấu thầu mua ray P50 tại các công ty cổ phần; các nội dung Báo nêu về việc chưa công khai thông tin đấu thầu đối với các gói thầu đăng trên Báo Đấu thầu ngày 16/3/2017 và ngày 20/3/2017. Sau khi có kết luận của Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt sẽ triển khai thực hiện và xử lý các thiếu sót (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật”.
“Thờ ơ” với vi phạm về đấu thầu?
Theo văn bản trả lời Báo Đấu thầu, TCT Đường sắt cho biết, đối với việc mua sắm vật tư, vật liệu để bảo trì công trình đường sắt, các đơn vị được đặt hàng (là các công ty cổ phần đường sắt) tổ chức mua sắm theo số lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá đúng phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích được Bộ GTVT phê duyệt và đúng quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp. TCT Đường sắt tổ chức kiểm tra, kiểm soát số lượng, chất lượng các loại vật tư chuyên dùng trước khi đưa vào sử dụng bảo trì công trình đường sắt.
TCT Đường sắt cũng cho biết, hiện nay, các đơn vị được đặt hàng hoạt động theo mô hình tổ chức mới (cổ phần hóa) và theo phương thức đặt hàng quản lý, bảo trì công trình đường sắt. Để đảm bảo chất lượng công trình bảo trì đường sắt, TCT Đường sắt tăng cường công tác quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng các loại vật tư chuyên dùng trong bảo trì đường sắt. Đồng thời yêu cầu các đơn vị được đặt hàng phải thực hiện đúng các quy định về mua sắm hàng hóa, đảm bảo tính cạnh tranh, công khai minh bạch và hiệu quả đầu tư.
Như vậy, mặc dù là chủ đầu tư của nhiều gói thầu bảo trì đường sắt, trực tiếp phê duyệt KQLCNT và ký các hợp đồng mua sắm, nhưng TCT Đường sắt không nhận bất kỳ trách nhiệm nào khi để xảy các các vi phạm về đấu thầu. Cách “xử lý” của TCT Đường sắt đối với những vi phạm về đấu thầu đã được phản ánh cũng cho thấy, đơn vị này rất “bị động”, “thụ động” trong việc xử lý các vấn đề trực tiếp liên quan đến các gói thầu do mình làm chủ đầu tư.
Trong khi việc vi phạm quy định về đấu thầu tại TCT Đường sắt đã được Báo Đấu thầu chỉ ra rất rõ ràng, trên phạm vi rộng thì TCT Đường sắt né tránh trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư bằng cách “chờ” kết luận của Thanh tra Bộ GTVT. Không biết từ nay đến khi Thanh tra Bộ GTVT ban hành kết luận thì có bao nhiêu gói thầu do TCT Đường sắt làm chủ đầu tư tiếp tục vi phạm pháp luật về đấu thầu? Và liệu sau khi Bộ GTVT ban hành kết luận thanh tra, TCT Đường sắt có thực sự “vào cuộc” để xoa dịu dư luận trước hàng loạt sai phạm về đấu thầu tại đơn vị này?