Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tại họp báo. Ảnh: VGP |
Ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về sự việc, đặc biệt là khi Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành triển khai công tác kiểm tra, Tổng cục Thuế đã bước đầu chỉ đạo cơ quan thuế trên địa bàn TP. Hà Nội có những động thái hợp lý trong quyền hạn và trách nhiệm của mình để đánh giá việc chấp hành pháp luật, nghĩa vụ về thuế trong bán hàng, kê khai,... của doanh nghiệp này.
“Câu chuyện tiếp theo tất nhiên sẽ có sự tham gia của cơ quan Thuế, việc kiểm tra đang được tiến hành nên sang tuần tới mới có kết quả. Ngay khi có kết quả, Tổng cục Thuế sẽ kịp thời thông tin đến các phương tiện báo chí”, ông Nguyễn Đại Trí nói.
Trước đó, một số sản phẩm khăn lụa cao cấp mang thương hiệu Khai Silk bị nhiều khách hàng tố có tới 2 nhãn mác, một là "Made in China" và một là "Made in Vietnam". Trước thông tin này, ông Hoàng Khải, chủ của Tập đoàn Khai Silk đã xin lỗi người tiêu dùng. Theo ông Hoàng Khải, việc nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam đã có từ lâu, xuất phát vào giữa những năm 90, khi Khai Silk không tìm đủ nguồn hàng trong nước.
Theo các chuyên gia, điểm nguy hiểm hiện nay là vẫn có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận làm ăn gian dối, trong khi vai trò của các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế, hay chính người tiêu dùng dường như có đã “quen” với việc này, chưa sử dụng đúng quyền của mình. Sau thừa nhận của chủ Tập đoàn Khai Silk, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên. Công văn của Bộ Công Thương nêu rõ, trường hợp nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 28/10.