TP. HCM: Đa dạng hóa loại hình nhà ở xã hội

Để đạt mục tiêu đưa vào sử dụng gần 20.000 căn nhà ở xã hội (NƠXH) từ nay đến năm 2020, TP. HCM đang hướng đến phương án đa dạng hóa loại hình NƠXH để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Điểm mới trong kế hoạch phát triển và quản lý NƠXH của TP.HCM cho phép đa dạng về diện tích, nhỏ nhất là 25m2 và lớn nhất là 77m2. (ảnh minh họa)
Điểm mới trong kế hoạch phát triển và quản lý NƠXH của TP.HCM cho phép đa dạng về diện tích, nhỏ nhất là 25m2 và lớn nhất là 77m2. (ảnh minh họa)

Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch phát triển và quản lý NƠXH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. Theo đó, từ năm 2017 đến 2020, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng 37 dự án, diện tích đất sử dụng là 134,89ha, quy mô 43.624 căn hộ. Trong đó, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng 29 dự án với quy mô 19.436 căn hộ.

Để đạt mục tiêu đưa vào sử dụng gần 20.000 căn NƠXH đến năm 2020, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố sẽ đa dạng hóa sản phẩm và loại hình NƠXH. Điểm mới trong kế hoạch này là thành phố cho phép đa dạng về diện tích, nhỏ nhất là 25m2 và lớn nhất là 77m2.

Thành phố cũng cho phép đầu tư xây dựng NƠXH với nhiều loại giá khác nhau, từ 300 triệu đồng/căn đến khoảng 1 tỷ đồng/căn để phù hợp với khả năng thanh toán của các đối tượng, đặc biệt là người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo và công nhân. Bên cạnh đó, tùy vào đối tượng thụ hưởng, thành phố sẽ tạo quỹ đất phù hợp tại các quận, huyện để xây dựng NƠXH.

Được biết, trong năm 2016, TP.HCM chỉ có thể đưa vào sử dụng 2 dự án NƠXH, với khoảng 1.260 căn hộ. Các dự án NƠXH chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, số dự án được triển khai còn hạn chế, lượng căn hộ đưa vào sử dụng chưa đáp ứng nhu cầu của đối tượng thụ hưởng.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển Nhà và Thị trường BĐS (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, dù được miễn tiền sử dụng đất nhưng các doanh nghiệp đầu tư vẫn phải bỏ kinh phí giải phóng mặt bằng. Đây là một trong những khó khăn lớn khiến không ít doanh nghiệp e ngại, tiến độ triển khai dự án bị chậm.

Cũng theo ông Sơn, việc giải ngân các nguồn vốn vay cũng bị ách tắc. Nhất là sau khi dừng gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng, không ít doanh nghiệp không tìm được nguồn vốn thay thế, trong khi lợi nhuận bị hạn chế (không vượt quá 10%). Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phát triển NƠXH phần nào bị "đóng băng".

Để tháo gỡ những vướng mắc, UBND TP.HCM đã yêu cầu rà soát lại quỹ đất, cần thiết sẽ điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 để xác định cụ thể vị trí, diện tích các khu đất dự kiến đầu tư xây dựng NƠXH trên địa bàn từng quận, huyện.

Trong đó, ưu tiên phát triển các dự án thuộc quỹ đất sạch, bám sát hệ thống hạ tầng đô thị như metro, các trục đường lớn... Về nguồn vốn, thành phố đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư tham gia dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường BĐS cho biết, kế hoạch phát triển NƠXH hiện đang được nhiều sở, ban, ngành cùng tiến hành. Tùy vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị sẽ hỗ trợ tối đa, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian đầu tư, tránh nhũng nhiễu, tiêu cực. Đồng thời, thành phố sẽ bảo đảm đầu ra cũng như lợi nhuận ổn định cho doanh nghiệp tham gia xây dựng NƠXH.

Tin cùng chuyên mục