TP.HCM: Cân nhắc kỹ việc tăng thuế, phí

(BĐT) - Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép Thành phố được toàn quyền tăng, giảm các loại phí, lệ phí, thậm chí đề ra các loại phí, lệ phí mới chưa có trong danh mục. 
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu tại TP.HCM được đề xuất cần nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động đầy đủ. Ảnh: Ngọc Kỳ
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu tại TP.HCM được đề xuất cần nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động đầy đủ. Ảnh: Ngọc Kỳ

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để thực hiện các đề án tăng thuế, TP.HCM cần đánh giá đầy đủ những tác động liên quan, vì tăng thuế không chỉ tác động đến nguồn thu, mà còn tác động đến doanh nghiệp và người dân.

Cân nhắc kỹ lưỡng việc tăng thuế, phí

Khẳng định việc điều chỉnh phí, lệ phí chỉ là công cụ để điều chỉnh xã hội, nhưng bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cũng cho rằng, để tránh việc tăng phí tràn lan, cần sự phản biện của giới chuyên gia.

TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM thì cho rằng, những gì Nghị quyết 54 cho phép là cơ sở để TP.HCM có thể nâng tầm, nâng tính chủ động trong phát triển, cũng là thách thức, áp lực rất lớn. “Chúng ta kêu nhiều quá, giờ được rồi mà không làm được thì sẽ rất nhiều chuyện. Đây thực sự là vấn đề hóc búa chứ không đơn giản”, ông Lịch nhắc và cho rằng, đối với việc tăng thuế và phí, TP.HCM phải nghiên cứu kỹ tác động của việc điều chỉnh. Thành phố nên mời chuyên gia đánh giá tác động ngược của từng đề án cụ thể, bởi nếu thuế ở Thành phố cao thì người dân, doanh nghiệp sẽ chuyển chỗ khác làm ăn.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM đề nghị, Thành phố cần đánh giá tác động trước khi thực hiện các đề án tăng thuế. Bởi vì tăng thuế không chỉ tác động đến nguồn thu mà còn tác động đến doanh nghiệp và người dân.

Theo phân tích của ông Vũ Thành Tự Anh, giá trị gia tăng lớn nhất của Thành phố đến từ doanh nghiệp, nên nếu tăng thuế, phí là tăng chi phí của doanh nghiệp, làm không khéo sẽ đẩy mặt bằng chi phí cao lên, tạo ra hiệu ứng ngược.

Ông Vũ Thành Tự Anh dẫn chứng, Thành phố đang muốn phát triển mạnh về du lịch, do vậy, nếu đánh thuế về rượu, bia, thuốc lá - là những mặt hàng liên quan đến khách du lịch thì sẽ tác động đến sự phát triển của ngành này. Đánh thuế các mặt hàng này, Thành phố có thể thu được một số khoản thu, nhưng ở một số khu vực khác nguồn thu sẽ giảm đi, trong khi du lịch lại là lĩnh vực đang được quan tâm phát triển.

Từ dẫn chứng nêu trên, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, cần có bức tranh đầy đủ về thu, chi ngân sách để nếu có thay đổi thì sẽ thấy được sự thay đổi đó là như thế nào. Mặc dù rất khó nhưng đây là điều rất cần thiết, phải làm theo nguyên tắc “khẩn trương nhưng không hối tiếc”. Đưa ra thuế, phí đã khó, rút lại không dễ, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền địa phương.

Yêu cầu đánh giá đầy đủ tác động của chính sách

Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm khẳng định, việc tăng thuế các mặt hàng nói chung và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu hay thuế môi trường đối với xăng, dầu nói riêng tại TP.HCM cần phải được nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động. Thực tế hiện nay một số mặt hàng dù sản xuất ở TP.HCM nhưng lại được tiêu thụ ở nhiều địa phương khác nữa, do vậy cần phải có cách thu thuế phù hợp.

Theo ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, việc tăng thuế của TP.HCM nếu làm không khéo có thể dẫn đến tăng thuế nhưng tổng nguồn thu lại giảm vì doanh nghiệp sẽ chạy sang địa phương khác đầu tư, kinh doanh. Để thực hiện Nghị quyết 54, việc quan trọng cần làm là phải cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút doanh nghiệp đến Thành phố đầu tư, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh, tăng khả năng tạo việc làm và thu ngân sách.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù cho Thành phố là vinh dự, cơ hội nhưng cũng là trách nhiệm và thách thức. Nếu không đủ lực mà vẫn làm, Thành phố sẽ không phát triển như mong muốn. Vì vậy, cần nghiên cứu sâu, nghiên cứu tổng thể, trong đó chú ý đặc biệt đến tác động xã hội trên mọi vấn đề.

Để triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, hiện tại UBND TP.HCM đã xây dựng 19 đầu việc để thực hiện. Trong đó, có 10 nội dung là việc làm thường xuyên của các sở ngành, không cần nghiên cứu sâu. Riêng 9 nội dung còn lại như: phân cấp, ủy quyền; kế hoạch sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa; đề án cải cách tiền lương; huy động vốn từ xã hội… thì phải có các nghiên cứu sâu. Đặc biệt, việc bổ sung thuế, phí mới hoặc tăng loại thuế, thuế suất, phí, lệ phí cần được nghiên cứu, đề xuất để có cái nhìn tổng quát, đánh giá đầy đủ tác động.