Nhiều doanh nghiệp ở trong Khu công nghiệp Hiệp Phước chưa được cấp GCNQSDĐ. Ảnh: Internet |
Câu chuyện nói trên xảy ra lâu nay tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, thuộc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (HIPC), tọa lạc tại huyện Nhà Bè, TP.HCM, nhưng vẫn chưa có hồi kết.
Chuyện là, năm 2018, Công ty TNHH Tân Phúc Hồng ký hợp đồng với HIPC thuê lại 2 lô đất có ký hiệu EB1 và EB2 trong khu công nghiệp này để triển khai dự án. Sau đó, Tân Phúc Hồng được HIPC bàn giao 2 lô đất đã thuê, nhưng khi Công ty đến Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) xin giấy phép đầu tư thì bị từ chối.
Trước đó, năm 2016, Tân Phúc Hồng cũng thuê lô đất có ký hiệu EA1, cạnh với lô EB1 và EB2. Tất cả 3 lô đất EB1, EB2, EA1 đều thuộc giai đoạn 2 của Khu công nghiệp Hiệp Phước. Thế nhưng, 2 lô đất thuê năm 2018 thì “án binh bất động”, còn lô đất năm 2016 thì được cấp giấy phép và giấy chứng nhận hoàn công công trình xây dựng.
Theo Tân Phúc Hồng, sau khi ký hợp đồng, Công ty đã đóng 40% số tiền thuê đất và lãi phân kỳ 2 lô đất đã thuê cho HIPC. Riêng lô đất EA1, Công ty đã đóng tiền thuê đất đủ 95%. Cả 3 lô đất này đến nay vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Đặc biệt, 2 lô đất thuê năm 2018 do không được cấp phép đầu tư nên không thể xây dựng dự án, khiến doanh nghiệp này bị thiệt hại nặng.
Liên quan đến vấn đề này, Hepza cho hay, để được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, doanh nghiệp phải được cấp GCNQSDĐ, mà việc cấp GCNQSDĐ hiện phải chờ xác định giá đất.
Không riêng gì Tân Phúc Hồng, nhiều doanh nghiệp khác ở Khu công nghiệp Hiệp Phước cũng không được cấp GCNQSDĐ. Trải qua một thời gian dài, dù đã khiếu nại, kêu cứu đủ cách, song các "điểm nghẽn" về cấp GCNQSDĐ và các vấn đề khác vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trước thực trạng này, trong 2 năm 2022 - 2023, Hepza đã hai lần có tờ trình và văn bản báo cáo lên lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố nhằm tìm hướng xử lý.
Quan điểm của Hepza là đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sớm xác định giá đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 và đơn giá thuê đất hằng năm, để trình UBND Thành phố phê duyệt. Khi có “bảo bối” này, mới có cơ sở cho HIPC (chủ đầu tư) thực hiện nghĩa vụ tài chính và ký kết hợp đồng thuê đất giữa Nhà nước và HIPC.
Bởi, sau khi HIPC được ký hợp đồng thuê đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước về tiền thuê đất thì sẽ được cấp GCNQSDĐ. Cũng từ đây, các doanh nghiệp thuê lại đất gắn liền với kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp sẽ được cấp GCNQSDĐ theo quy định.
Gần đây nhất, đầu tháng 2/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có văn bản báo cáo lên lãnh đạo Thành phố về việc xử lý đơn tập thể doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2.
Sở này cho biết, các doanh nghiệp đã có đơn khiếu nại gửi đến UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan. Mong muốn của doanh nghiệp là sớm cấp giấy chứng nhận phần đất mà họ đã sử dụng từ năm 2017 đến nay.
Tuy nhiên, do vấn đề này vượt quá thẩm quyền nên Sở Tài nguyên và Môi trường lại kiến nghị lên UBND TP.HCM. Và, nếu UBND TP.HCM sớm xem xét xử lý tờ trình về phương án giá đất đối với dự án nêu trên, thì đó chính là cơ sở để thúc đẩy việc cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp được nhanh hơn.
ThS. Nguyễn Ngọc Biện Thùy Hương - Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang nhận định, thực tiễn cho thuê đất tại các khu công nghiệp trong giai đoạn vừa qua cũng chưa thực sự hiệu quả, bộc lộ nhiều bất cập.
Trong thời gian tới, cần phân quyền cho nhà đầu tư thuê lại đất từ chủ đầu tư để đầu tư vào khu công nghiệp nhằm sản xuất - kinh doanh trong trường hợp chủ đầu tư được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn, giảm tiền thuê đất.
Theo đó, người sử dụng đất có đầy đủ các quyền như được chuyển nhượng, góp vốn hay thế chấp quyền sử dụng đất, thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất. Điều này có thể phá vỡ rào cản lớn khi nhà đầu tư huy động vốn từ các tổ chức tín dụng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện nay, Luật Đất đai năm 2024 đã có một số thay đổi đáng kể về quy chế sử dụng đất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất khu công nghệ cao, khu kinh tế. Cho nên, nếu UBND TP.HCM sớm giải quyết được khúc mắc về cấp GCNQSDĐ, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không những được thông suốt, mà còn giúp tăng tính cạnh tranh, mở rộng hợp tác đầu tư, đặc biệt việc vay vốn, góp vốn và huy động vốn sẽ thuận lợi hơn.