![]() |
Xung đột giữa chủ đầu tư và khách hàng liên quan đến vấn đề “sổ hồng” thời gian qua đã trở thành một bài toán nan giải |
Xung đột giữa chủ đầu tư và khách hàng liên quan đến vấn đề “sổ hồng” thời gian qua đã trở thành một bài toán nan giải tại TP.HCM nói riêng và các đô thị lớn trên cả nước nói chung. Nguyên nhân của việc chậm cấp “sổ hồng” xuất phát từ nhiều phía, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng người mua nhà vẫn là bên chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Tại TP.HCM, nhiều năm liên tiếp, “điểm nghẽn” này khiến Tập đoàn Novaland đối diện áp lực lớn từ phía khách hàng. Mới đây, khi lãnh đạo tập đoàn này cho biết trong năm 2025 sẽ hoàn tất việc cấp "sổ hồng" cho hơn 7.000 sản phẩm bất động sản tại nhiều dự án ở TP.HCM, người dân đã phần nào yên tâm. Trong đó, riêng dự án The Sun Avenue (TP. Thủ Đức) có tới 2.894 căn sẽ được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, các dự án như: Kingston Residence (Q. Phú Nhuận), Sunrise Riverside (Nam Sài Gòn), Lucky Palace (Q.6); Victoria Village (TP. Thủ Đức)… cũng nằm trong danh sách sẽ được cấp "sổ hồng" trong năm nay.
Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền TP.HCM cũng đang tích cực tháo gỡ các vướng mắc. Gần đây, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cấp “sổ hồng” cho người mua nhà tại dự án The Tresor (quận 4). Dự án này do Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên (công ty con của Novaland) làm chủ đầu tư, có 476 căn hộ, 248 căn officetel được bàn giao vào năm 2017. Tuy nhiên, quá trình giao đất cho khu đất này có sai phạm khiến các căn hộ chưa được cấp “sổ hồng”.
Bên cạnh đó, dự án 1.330 căn hộ New City (phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức) do liên danh TTC Land - Thuận Việt - Thành Thành Công làm chủ đầu tư cũng đã tìm được "lối thoát" nhờ áp dụng Nghị quyết số 170/2024 của Quốc hội. Theo đó, những vướng mắc liên quan đến giá đất và nghĩa vụ tài chính sẽ được tháo gỡ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Trước tình trạng cấp "sổ hồng" ì ạch kéo dài, tháng 11/2024, TP.HCM đã thành lập Tổ công tác 5013, để tập trung tháo gỡ những khó khăn pháp lý tại các dự án nhà ở thương mại. Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổ trưởng Tổ công tác, từ khi thành lập đến nay, tổ đã tổ chức hàng chục cuộc họp với đại diện các chủ đầu tư nhằm giải quyết từng trường hợp cụ thể. Kết quả, TP.HCM đã tháo gỡ vướng mắc và cấp sổ hồng cho hơn 70.675 căn nhà, đạt tỷ lệ 87% trong tổng số hơn 81.000 căn nhà thuộc 335 dự án đã đủ điều kiện nhưng chưa được cấp "sổ hồng".
Dự kiến trong năm 2025, TP.HCM sẽ hoàn tất việc cấp "sổ hồng" cho toàn bộ các dự án còn vướng mắc. Theo đánh giá của Tổ công tác 5013, có bảy nhóm vướng mắc chính gây ách tắc. Nổi bật nhất là những quy định pháp lý liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận, nghĩa vụ điều tiết quỹ đất cho nhà ở xã hội và tái định cư; nghĩa vụ tài chính bổ sung; các vấn đề liên quan đến thanh tra, kiểm tra hoặc bản án tòa án, cũng như việc chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho địa phương; việc rà soát lại pháp lý dự án và vướng mắc về vi phạm trật tự xây dựng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, với những nỗ lực mạnh mẽ từ chính quyền, TP.HCM đang từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân và tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch, bền vững. Việc đẩy nhanh cấp “sổ hồng” không chỉ củng cố niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư, mà còn thúc đẩy dòng tiền vận hành vào nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, phía sau câu chuyện chậm cấp “sổ hồng” còn là hệ quả của giai đoạn phát triển thiếu kiểm soát trong quá khứ. Nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ cam kết với khách hàng hoặc chưa hoàn thành các nghĩa vụ với nhà nước đã đưa sản phẩm ra thị trường. Do đó, cần có biện pháp xử lý kiên quyết và đồng bộ để ngăn chặn xung đột lợi ích, đảm bảo sự minh bạch và ổn định lâu dài cho thị trường địa ốc.