TP.HCM: Dự án “bánh vẽ” Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 bị chấm dứt chủ trương đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuối cùng, việc thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh ở Quận 1, TP.HCM, hay còn gọi là khu Mả Lạng đã được thông qua. Như vậy, sau hàng chục năm trời để người dân khu này sống trong cảnh thấp thỏm, đợi chờ, “chiếc bánh vẽ” này giờ mãi chỉ còn là trên giấy.
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Quận 1,TP.HCM.
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Quận 1,TP.HCM.

Kết luận của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM mới đây chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND Thành phố trả lời nhà đầu tư - Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Tập đoàn Bitexco) về việc không có cơ sở xem xét việc nhà đầu tư đề nghị tiếp tục thực hiện Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh theo quy định xử lý chuyển tiếp của Luật Đầu tư năm 2020 và triển khai Dự án Bệnh viện Sài Gòn thực sự đã cởi trói một gánh nặng lớn cho hơn 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp của Dự án. Bởi hơn 22 năm qua, kể từ khi có chủ trương, họ đã thực sự bức bối khi phải sống trong cảnh quy hoạch treo quá lâu.

Ngoài chỉ đạo nói trên, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố còn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND Thành phố thành lập tổ công tác rà soát thực hiện dự án này và Dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học. Theo đó, khẩn trương làm việc, đề xuất UBND Thành phố về phương thức thực hiện Dự án trong quý II/2023, đảm bảo khả thi, đúng quy định pháp luật và phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân.

Đặc biệt lần này, chính quyền Thành phố giao UBND Quận 1 xem xét thực hiện thu hồi thông báo thu hồi đất và các văn bản có liên quan đến thu hồi đất tại Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, UBND Quận 1 lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp để thực hiện.

Trước đó, năm 2000, UBND TP.HCM ban hành chủ trương giải tỏa nhằm chỉnh trang Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Do trong quá khứ, khu vực này được xem là một điểm nóng về tệ nạn và là nơi ẩn thân của nhiều tay giang hồ cộm cán, nên khi có chủ trương trên, người dân rất ủng hộ. Với diện tích đất thu hồi hơn 6,8 ha, giới hạn bởi 4 tuyến đường gồm Nguyễn Trãi - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh, dự án này từng hứa hẹn mở ra một bước đột phá mới cho vùng đất vốn là nghĩa địa này.

Theo tìm hiểu, lúc mới có chủ trương, Dự án được giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thực hiện. Đến năm 2006, Dự án được chuyển giao cho Tập đoàn Bitexco xây dựng cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị.

Dự tính sau khi hoàn thành, Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh sẽ là khu tổ hợp đa chức năng. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn được bố trí trên khu đất có diện tích 10.000 m2 tại giao lộ Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh, với tổng diện tích sàn khoảng 26.000 m2, chưa bao gồm tầng hầm, có quy mô 300 giường bệnh. Đây là Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn mới, thay thế cho bệnh viện hiện tại ở số 125 Lê Lợi, Quận 1 đã xuống cấp.

Ngoài ra, tại đây còn có khu vực đô thị đa chức năng dành cho căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn; và khu vực tái định cư dành cho khoảng 900 hộ dân.

Thời điểm đó, Tập đoàn Bitexco cho biết, ngoài giá trị lớn về lợi ích kinh tế thì dự án này còn mang lại giá trị lớn về mặt xã hội, tạo ra khu chung cư hiện đại mới cho TP.HCM.

Trong một văn bản giải trình bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án của Tập đoàn Bitexco gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM năm 2017, tập đoàn này cho biết dự định sử dụng toàn bộ thặng dư của Dự án Khu đô thị The Manor Central Park - Hà Nội làm nguồn vốn để thực hiện Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Theo đó, giá trị thặng dư của Dự án Khu đô thị The Manor Central Park - Hà Nội là 4.000 tỷ đồng, tiến độ nguồn vốn tham gia tính từ quý III/2017 đến quý IV/2018.

Tại buổi đối thoại với 1.500 hộ dân khu Mả Lạng hồi đầu tháng 7/2017, lãnh đạo UBND Quận 1 cũng đã thay mặt chính quyền xin lỗi người dân vì để Dự án chậm trễ. Lãnh đạo Quận 1 khi đó khẳng định, chính quyền luôn lắng nghe và đứng về phía người dân, nếu chủ đầu tư không làm đúng luật, không đủ năng lực, Quận sẽ kiến nghị Thành phố loại ngay.

Và rồi, mọi dự tính của Tập đoàn Bitexco cuối cùng cũng khép lại, bởi dù đã được giao ròng rã hơn 17 năm qua nhưng vẫn chưa thể triển khai đầu tư xây dựng vì không thể giải tỏa, đền bù.

Nhiều người dân sống ở khu vực này cho biết, cuộc họp ngày 20/2/2023 của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, không chỉ nghe báo cáo về thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, mà còn ghi nhận việc đề xuất phương án đầu tư mới Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh. Điều này cũng có thể hiểu, dự án này sắp tới vẫn có khả năng tiếp tục được triển khai theo một phương án mới của một chủ đầu tư mới. “Dù làm như thế nào và do chủ đầu tư nào làm đi nữa, cái mà người dân quan tâm là đừng để kéo dài quá lâu, theo kiểu quy hoạch treo, khiến cuộc sống của chúng tôi quá khổ sở”, người dân ở đây bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục