TP.HCM giữ mục tiêu giải ngân đầu tư công 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ còn hơn 40 ngày để TP.HCM hoàn tất khối lượng công việc khổng lồ, hướng đến chạm mốc giải ngân 95% kế hoạch vốn đầu tư công. Áp lực giải ngân 44.000 tỷ đồng đang đè nặng lên các sở, ngành và chủ đầu tư trên địa bàn.
Năm 2023, TP.HCM được giao giải ngân hơn 68.000 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân 24.199 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch. Ảnh: Nhã Chi
Năm 2023, TP.HCM được giao giải ngân hơn 68.000 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân 24.199 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM, năm 2023, TP.HCM được giao giải ngân hơn 68.000 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân 24.199 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch. Như vậy, về giá trị tuyệt đối, TP.HCM cần phải giải ngân xấp xỉ 44.000 tỷ đồng cho đến trước 31/12/2023.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân của TP.HCM mới đạt 35% nhưng về giá trị tuyệt đối, TP.HCM vẫn có thành tích giải ngân đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Bộ Giao thông vận tải và TP. Hà Nội. Chỉ tính riêng TP. Thủ Đức đến nay đã giải ngân 3.733,4/8.473,76 tỷ đồng, đạt 44%.

Theo lãnh đạo TP. Thủ Đức, đặc thù của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trải qua nhiều công đoạn, trong đó việc đo đạc và xác minh nguồn gốc chiếm nhiều thời gian nên việc giải ngân dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng cuối năm. Tiến độ bàn giao mặt bằng chậm khiến công tác thi công nhiều dự án trọng điểm bị ngưng trệ.

Đơn cử, Dự án Mở rộng Quốc lộ 50 tại huyện Bình Chánh (1.498 tỷ đồng) đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Dù đã khởi công các gói thầu xây lắp số 1, 2, 4 (xây dựng mới đoạn song hành); Gói thầu số 3 (cầu Bà Lớn) gần 1 năm nhưng tổng khối lượng 4 gói thầu mới đạt khoảng 24%. Theo Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Trường Thành - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải xây dựng giao thông T&T (đơn vị thi công Gói thầu Xây lắp 1 Xây dựng đường song hành Quốc lộ 50 từ đường Nguyễn Văn Linh đến Km1+200 (304,14 tỷ đồng), việc bị động về mặt bằng thi công khiến công tác huy động nhân sự, thiết bị của nhà thầu rất khó khăn.

Trong khi đó, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thi công xây dựng cầu đường Hồng An đảm nhận thi công Gói thầu Xây lắp 4 Xây dựng đường song hành Quốc lộ 50 từ Km2+800 đến Km4+200 (240,305 tỷ đồng) cũng gặp nhiều khó khăn trong đẩy nhanh tiến độ khi mặt bằng bàn giao không đồng bộ.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, dự kiến Dự án Mở rộng Quốc lộ 50 sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2024. Đây là áp lực rất lớn nếu các gói thầu không có tiến triển tốt về tiến độ thi công. Thực tế, quan ngại của các nhà thầu là có cơ sở khi loạt gói thầu di dời lưới điện, tuyến ống cấp nước phục vụ Dự án đều mới công bố kết quả tư vấn khảo sát, tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trong tháng 8/2023.

Điều chuyển vốn sang dự án có khối lượng hoàn thành cao

Trước thực tế giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, vẫn xác định mục tiêu kiên trì giải ngân đạt 95% kế hoạch. Thực tế, TP.HCM có 479 dự án đã giải ngân trên 95%, do đó Thành phố giữ mục tiêu này. Đối với một số dự án cụ thể chậm giải ngân có lý do chính đáng cũng quyết tâm không để dưới 80%. Các chủ đầu tư, trong đó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - đơn vị chủ đầu tư nhiều dự án có tổng quy mô vốn đầu tư lớn nhất phải chủ động tính toán và không để tỷ lệ giải ngân chung dưới 80%.

Trong tháng 9/2023, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành quyết định điều hòa vốn nội bộ từ dự án có tiến độ giải ngân thấp sang dự án có tiến độ giải ngân cao của 24 chủ đầu tư với tổng số vốn điều hòa 1.077 tỷ đồng.

UBND TP.HCM giao Sở KH&ĐT, Văn phòng UBND Thành phố thống nhất đề xuất điều hòa vốn, cắt chuyển vốn từ các dự án có tiến độ triển khai chậm sang các dự án có tiến độ đảm bảo, khối lượng thi công tốt. Trong tháng 9/2023, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND Thành phố ban hành quyết định điều hòa vốn nội bộ từ dự án có tiến độ giải ngân thấp sang dự án có tiến độ giải ngân cao của 24 chủ đầu tư với tổng số vốn điều hòa 1.077 tỷ đồng. Đây là một trong những giải pháp căn cơ, quan trọng để TP.HCM hoàn thành mục tiêu giải ngân.

Một số dự án giải ngân tốt có thể kể đến Dự án nút giao thông An Phú (3.408 tỷ đồng), hiện khu vực hầm chui trên đường Mai Chí Thọ đang trong giai đoạn định hình hầm chui; khu vực đường Đồng Văn Cống đang lắp đặt những khung thép trụ cầu lớn, chuẩn bị đổ bê tông. Công trình đang được thi công gấp rút để đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, công tác di dời hạ tầng đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, Gói thầu XL2 Di dời hệ thống điện do Liên danh Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và Xây dựng điện Nam Hải - Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Lê Hà thi công với giá trị 36,691 tỷ đồng; Gói thầu XL1 Di dời đường ống cấp nước do Liên danh Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ kỹ thuật Tín Nghĩa - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng cấp thoát nước WASEEN trúng thầu với giá 16,273 tỷ đồng. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà thầu đảm nhận thi công Gói thầu XL5 (trị giá hơn 342 tỷ đồng); Gói thầu XL8 (trị giá hơn 379 tỷ đồng) đẩy nhanh tiến độ, về đích đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (8.200 tỷ đồng) đã giải ngân được gần 500 tỷ đồng sau hơn 6 tháng thi công, đạt hơn 40% kế hoạch vốn được giao năm nay. Dự kiến năm 2023, Dự án sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn. Tại dự án này, Gói thầu XL7 đã thi công được 3.592/4.403 cọc, đạt 81,58% khối lượng. Gói thầu này được Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM tin tưởng sẽ về đích trước kế hoạch trong năm 2023.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đang tập trung triển khai các giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công như: tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đánh giá sát tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trên địa bàn, bảo đảm đạt kết quả giải ngân năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục