Động thái tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản ở TP.HCM hứa hẹn mở ra những lối thoát mới cho các chủ đầu tư. Ảnh: Bảo Tín |
Mặc dù chưa chốt thời gian chính thức cho cuộc họp, nhưng theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nhóm các dự án đang được xem xét giải quyết theo quy định trong đợt này có 55 dự án, được chia thành 3 nhóm.
Theo đó, nhóm 1 có 3 dự án, đang gặp khó khăn do vướng mắc về quy định pháp luật. Đó là Dự án chung cư cao tầng Đầm Sen Tower của Công ty CP May Phú Thịnh - Nhà Bè; Dự án của Công ty CP Đầu tư Thương mại Vimec; Dự án khu nhà ở Sài Gòn - Thới An tại phường Thới An, Quận 12 của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Sài Gòn 9.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, với dự án thuộc thẩm quyền xử lý của Chính phủ (vướng mắc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa), UBND TP.HCM đã có văn bản ngày 15/3/2023 báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. UBND TP.HCM tiếp tục giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng nghiên cứu để kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ giải quyết.
Đối với khó khăn về việc xem xét nghĩa vụ điều tiết nhà ở xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng trên cơ sở ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng có văn bản phản hồi gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, phục vụ cho cuộc họp của Tổ công tác thời gian tới.
Nhóm 2 cũng có 3 dự án, đang được các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, gồm: Dự án khu nhà ở cao tầng A22 - Phong Phú của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Ngọc Đông Dương; Dự án Khu phức hợp cao tầng, thương mại dịch vụ và căn hộ tại Phường 22, quận Bình Thạnh - Sài Gòn Panaroma của Công ty CP Đầu tư Vĩnh Phát; Dự án khu dân cư Lô số 6 - khu 9A+B - Khu đô thị mới Nam Thành phố của Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Với các dự án thuộc trường hợp này, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM kiến nghị, sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sẽ tiếp tục xem xét xử lý dự án theo nội dung đề nghị của cấp có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.
Trong các “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản, “điểm nghẽn” pháp lý là phức tạp nhất, kéo theo nhiều hệ lụy khiến không ít doanh nghiệp triển khai dự án “đuối sức”. Ảnh: Bảo Tín |
Riêng nhóm 3, gồm 49 dự án, có các vướng mắc khác thuộc thẩm quyền xem xét của Thành phố.
Trong số này có 33 dự án đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến các cơ quan (nhưng chưa nhận được đủ ý kiến) và đề nghị nhà đầu tư bổ sung hồ sơ; 7 dự án đang được các sở, ngành rà soát các nội dung liên quan.
Ngoài ra, 3 dự án đã có đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp để trình UBND Thành phố xem xét; 3 dự án có văn bản đề nghị tạm ngừng xử lý dự án của nhà đầu tư; 3 dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND Thành phố báo cáo thẩm định nhưng UBND Thành phố chưa có ý kiến chỉ đạo, như Dự án khu nhà ở thấp tầng - Harina của Công ty CP Đầu tư Thịnh Phúc Hải...
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với thủ tục nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp, UBND TP.HCM cần giao Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu cho chính quyền Thành phố xem xét trong vòng 1 tháng kể từ thời điểm nhận được hồ sơ đề nghị của nhà đầu tư.
Tương tự, những khó khăn, vướng mắc về quản lý đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu cho UBND Thành phố ban hành bộ tiêu chí để xem xét tách thửa độc lập, làm cơ sở giao phần diện tích đất do Nhà nước quản lý trong ranh dự án theo quy định tại Nghị định 148. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến xác định sự phù hợp của việc giao phần diện tích đất do Nhà nước quản lý trong ranh dự án cho nhà đầu tư.
Với các dự án chưa có trong Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng rà soát các quy định pháp luật có liên quan, có ý kiến xác định rõ về việc để dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có trong danh mục dự án nhà ở ban hành kèm theo kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố, hay chỉ cần đánh giá sự phù hợp của việc thực hiện dự án với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố.
Với các dự án chưa phù hợp quy hoạch 1/2000, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp UBND cấp huyện xem xét trong quá trình tham mưu UBND Thành phố điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố và điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 của khu vực thì có cơ sở để xem xét, cập nhật điều chỉnh theo đề xuất của nhà đầu tư hay không.
Trường hợp các dự án chưa đảm bảo phương án kết nối giao thông, Sở Giao thông vận tải cần nghiên cứu, xem xét phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể. Thời gian thực hiện phải hoàn thành trước khi diễn ra cuộc họp với Tổ công tác.
Ghi nhận ý kiến từ các chủ đầu tư cho thấy, trong các “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản, “điểm nghẽn” pháp lý là phức tạp nhất, kéo theo nhiều hệ lụy khiến không ít doanh nghiệp triển khai dự án “đuối sức”. Khi hoàn thành thủ tục pháp lý, chủ đầu tư sẽ dễ vay ngân hàng hơn để triển khai dự án, tăng nguồn cung cho thị trường, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn. Trường hợp muốn chuyển nhượng dự án để tái cấu trúc doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn.