Hình ảnh chung cư Carina Plaza trước khi xảy ra hỏa hoạn. Ảnh Internet |
Cảnh báo từ những con số
Theo thống kê từ năm 2012 cho đến tháng 9/2016, ở TP.HCM đã xảy ra 34 vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng, trong đó, có 26 vụ cháy tại các chung cư nhà ở. Riêng trong năm 2017, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 1.007 vụ cháy, làm chết 26 người, bị thương 44 người, thiệt hại về tài sản khoảng 92,5 tỷ đồng.
Đặc biệt ngày 23/3/2018, đã xảy ra vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại tầng hầm Chung cư Carina Plaza, Phường 16, Quận 8, TP.HCM. Vụ cháy này đã làm chết 13 người và 51 người bị thương, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và gây tác động tâm lý bất an đối với người dân đang sinh sống trong các chung cư, nhà cao tầng.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, đây là hồi chuông cảnh tỉnh đối với tất cả mọi chủ thể có liên quan đến trách nhiệm đảm bảo an toàn PCCC chung cư, nhà cao tầng, từ chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư, đơn vị quản lý vận hành chung cư, các hộ dân chung cư đến lực lượng PCCC chuyên nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu không thay đổi nhận thức và hành động, đi đôi với yêu cầu phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật PCCC, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn PCCC cho nhà và công trình, thì hậu quả sẽ khó lường.
Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home) cho biết, nguyên nhân hàng đầu gây ra chết người trong các vụ cháy là do ngạt khói, ngạt khí độc. Trong các vụ cháy, khói và khí độc là tác nhân nguy hiểm nhất đe dọa tính mạng người dân và cả lực lượng tham gia chữa cháy.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đảm bảo PCCC như thi công, lắp đặt thiết bị, vật tư không đúng thiết kế, sử dụng hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, dẫn đến hệ thống PCCC không kịp thời báo cháy hoặc báo cháy không đúng, không đáng tin cậy. Khi xảy ra cháy, hệ thống chữa cháy không hoạt động, hoặc hoạt động không đúng công suất thiết kế.
Một số ban quản trị chung cư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đảm bảo phòng cháy, chữa cháy. Lực lượng trực bảo vệ, trực PCCC tại chỗ không kịp thời phát hiện cháy và kỹ năng xử lý nguồn gây cháy không kịp thời, không hiệu quả.
Tình trạng mất an toàn PCCC chung cư, nhà cao tầng còn nhiều
Điều đáng lo ngại là, những tồn tại và sai phạm điển hình có thể dẫn đến mất an toàn PCCC chung cư, nhà cao tầng tại TP.HCM không phải ít. Hầu hết 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống PCCC; nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại.
Nhiều chung cư nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong đường nhỏ hoặc trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy ra cháy; có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy, nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo quy định của Luật PCCC, nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được...
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, các quy phạm pháp luật về PCCC, về quản lý vận hành nhà chung cư hiện nay tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, khâu yếu nhất và kém hiệu quả nhất là khâu thực thi pháp luật, trong đó có trách nhiệm thi hành công vụ.
Nếu tất cả các chủ thể có liên quan quán triệt, chấp hành, thực hiện nghiêm túc thì đã không xảy ra nhiều vụ cháy, nhất là vụ cháy nghiêm trọng tại tầng hầm chung cư Carina Plaza vừa qua.
Vì vậy, tới đây khi sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở cần quy định trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải thi công đường vào chữa cháy đúng thiết kế lòng đường và đạt tải trọng cho xe chữa cháy.
Cùng với đó, quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải được tham gia Ban Quản trị chung cư để đảm bảo chất lượng hoạt động quản lý, vận hành chung cư. Bởi, các chủ đầu tư cũng là đồng chủ sở hữu chung cư vì vẫn còn sở hữu phần khối đế, văn phòng, căn hộ cho thuê... sau khi đã bán căn hộ cho người mua nhà.
Đặc biệt, phải công khai danh sách các chung cư không đảm bảo an toàn PCCC, hoặc không mua bảo hiểm bắt buộc để công luận giám sát. Đồng thời quy định các thành viên Ban Quản trị chung cư phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý, vận hành chung cư, trong đó có kiến thức, kỹ năng về PCCC.
“Chúng tôi cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh Bất động sản để quy định chủ đầu tư sau khi đã nghiệm thu công trình chung cư theo quy định của Luật Xây dựng thì phải thông báo cho Sở Xây dựng để kiểm tra, nếu đạt chuẩn thì Sở Xây dựng ban hành văn bản xác nhận công trình đủ điều kiện đưa vào sử dụng mới được phép bàn giao nhà cho dân vào ở”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Hơn 15 năm qua, với tốc độ đô thị hóa rất nhanh, việc phát triển chung cư, nhà cao tầng ngày càng nhiều. Không chỉ có hàng chục ngàn hộ gia đình lựa chọn sống trong căn hộ chung cư cao tầng, mà còn có một lượng lớn những người làm việc trong các cao ốc văn phòng, các khu phức hợp, các trung tâm thương mại, dịch vụ, ăn uống, vui chơi giải trí. Cho nên, việc PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng không thể xem nhẹ.