TPHCM không tăng hệ số điều chỉnh giá đất trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Hầu hết đơn vị liên quan được lấy ý kiến đều đồng tình với phương án giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất cho năm 2022 để tránh tạo đột biến, gây khó khăn cho người sử dụng đất và an sinh xã hội vốn đã bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
TPHCM thống nhất hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 giữ nguyên như mức hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021.
TPHCM thống nhất hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 giữ nguyên như mức hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021.

Văn phòng UBND TPHCM cho biết, đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Lê Hòa Bình về phương án xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn TPHCM. Theo đó, UBND TPHCM thống nhất các nội dung liên Sở Tài chính-Sở Tài nguyên Môi trường xin ý kiến tại tờ trình số 6540 về dự thảo quyết định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 và ý kiến của các đơn vị.

Cụ thể, về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020 thì căn cứ vào giá đất phổ biến trên thị trường, điều kiện kinh tế xã hội ở địa phương và bảng giá đất, UBND cấp tỉnh quy định, quyết định hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể.

Trong năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội của TPHCM, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, việc điều chỉnh tăng cục bộ một số khu vực dẫn đến sự so bì, khiếu nại của người sử dụng đất, do đó thống nhất hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 giữ nguyên như mức hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021.

UBND TPHCM giao liên Sở Tài chính- Sở Tài nguyên Môi trường hoàn chỉnh hồ sơ trình và dự thảo tờ trình để UBND TPHCM trình Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM xem xét, trình Ban Thường vụ cho ý kiến về nội dung trình Hội đồng nhân dân TPHCM về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022.

TPHCM phân làm 5 khu vực để áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất.

TPHCM phân làm 5 khu vực để áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất.

Trước đó, liên Sở Tài chính-Sở Tài nguyên Môi trường đã có tờ trình dự thảo quyết định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn TPHCM và kiến nghị giữ nguyên hệ số số điều chỉnh giá đất năm tới như năm 2021. Theo tờ trình, phương pháp định giá đất phải phù hợp thị trường.

Quá trình lấy ý kiến, liên Sở Tài chính và Sở Tài nguyên Môi trường đưa ra 2 phương án: giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất như năm 2021 và tăng 0,5%. Hầu hết đơn vị liên quan đồng tình phương án 1, vì vậy liên Sở Tài chính-Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị UBND TPHCM chọn phương án giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất cho năm tới.

TPHCM phân làm 5 khu vực để áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Khu vực 1, gồm quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận. Khu vực 2 gồm thành phố Thủ Đức, quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú. Khu vực 3 gồm quận 8, 12, Bình Tân. Khu vực 4 gồm huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Khu vực 5 là huyện Cần Giờ.

Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 ở TPHCM cao nhất là 2,5 lần so với bảng giá đất UBND TPHCM ban hành ở khu vực 1. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần ở khu vực 5. Đất của hộ gia đình, cá nhân có hệ số 1,5 lần cho tất cả khu vực.

Hàng chục dự án muốn chuyển đổi mục đích đất trồng lúa

Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM cũng đã có văn bản gửi UBND TPHCM về danh mục dự án cần thu hồi đất và dự án chuyển đổi mục đích đất trồng lúa trên địa bàn. Theo đó, có 43 dự án tại 11 quận huyện và thành phố Thủ Đức trong diện cần thu hồi đất trong kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Trong đó, quận 7 là địa phương có nhiều dự án bị thu hồi đất nhất với 12 dự án.

Ngoài ra, còn có 21 dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, trong đó có 3 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa. Về dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, có 6 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha và 1 dự án chuyển mục đích đất rừng phòng hộ dưới 20ha thuộc huyện Cần Giờ.

Ngoài ra, TPHCM có 32 dự án cần điều chỉnh diện tích thu hồi đất và điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng trong các nghị quyết của HĐND TPHCM. Nguyên nhân khi triển khai lập kế hoạch sử dụng đất, UBND quận huyện sử dụng phần diện tích trong các quyết định phê duyệt dự án. Sau khi triển khai đo đạc, cắm ranh thu hồi đất ngoài thực địa của khu đất thì diện tích thực tế có thay đổi.

Sở Tài nguyên Môi trường cũng cho biết, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình và cá nhân thuộc 9 quận, huyện lên đến 901,2ha. Các địa phương có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa cao là huyện Hóc Môn với 395,8ha; thành phố Thủ Đức với 142,19ha; huyện Bình Chánh với 128,36ha…

Tin cùng chuyên mục