Phí bảo trì chung cư, miếng mồi béo bở để các bên xâu xé |
Sở Xây dựng TPHCM đã có văn bản gửi UBND thành phố và Bộ Xây dựng báo cáo tình hình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.
Trong đó, trên địa bàn thành phố có hơn 1.000 chung cư với 2.119 lô. Hiện nay, có 474 chung cư được xây dựng trước năm 1975 và đang xuống cấp nghiêm trọng. UBND quận, huyện đang quản lý và sẽ tháo dỡ khi cần thiết.
Đối với chung cư xây dựng sau 1975 đến năm 2005, phần lớn đang có dấu hiệu xuống cấp. Hầu hết các chung cư không có thang máy hoặc có thang máy nhưng không còn hoạt động và không có hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Về sau, nhiều chung cư có lắp đặt bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy vách tường nhưng nhiều trường hợp không còn hoạt động.
Những chung cư xây dựng sau năm 2005 hiện vẫn còn khá tốt. Đáng chú ý, theo Sở Xây dựng thành phố, số lượng nhà chung cư đã và đang thực hiện việc bàn giao phí bảo trì phần sở hữu chung của chung cư chỉ có 194 chung cư.
Ngoài ra, tại nhiều chung cư, chủ đầu tư còn không tổ chức hội nghị nhà chung cư. Nguyên nhân được xác định là không ít chủ đầu tư muốn nắm quyền quản lý vận hành nhà chung cư. Từ đó, chủ đầu tư sẽ quản lý luôn phần kinh phí bảo trì và sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung của người dân.
Chưa hết, một số chung cư được thành lập ban quản trị nhưng chủ đầu tư vẫn chưa chịu hoàn thành bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị. Qua đó, dẫn đến tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư, kéo dài.
Trước những vấn đề nêu trên, Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật về nội dung cưỡng chế chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì theo hướng các bên khởi kiện tại TAND, đúng pháp luật về tố tụng dân sự.
Xử lý lâu dài, Sở Xây dựng kiến nghị bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung của chung cư như hiện nay. Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do Ban quản trị chung cư thu của cư dân, trong quá trình quản lý và sử dụng theo tỷ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.