TP.HCM: Làm thế nào để đáp ứng các nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đối với đại đa số người dân TP.HCM là rất lớn, nhưng việc làm thế nào để đáp ứng được sự an cư cho các đối tượng này với khả năng tài chính eo hẹp của họ là điều rất khó.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản gần đây đã đẩy mạnh định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền dành cho người lao động. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Nhiều doanh nghiệp bất động sản gần đây đã đẩy mạnh định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền dành cho người lao động. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Nhu cầu nhà ở của tầng lớp yếu thế rất lớn

Theo số liệu được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) công bố mới đây, trong giai đoạn 2015 - 2020, TP.HCM thực hiện được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 75% kế hoạch, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của tầng lớp yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư.

Hiện, TP.HCM có khoảng 285.000 công nhân tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng chỉ có 15% được thuê ở tại các nhà lưu trú công nhân, chưa bao gồm 95.000 công nhân các cụm công nghiệp. Riêng, Công ty Giầy Pou Yen có hơn 80.000 công nhân, trong đó có 16.000 công nhân thuê phòng trọ tại các tỉnh lân cận, phần lớn ở tỉnh Long An.

Trong số các khu công nghiệp, khu chế xuất nói trên, đến nay có 6 khu công nghiệp, khu chế xuất đã có nhà lưu trú công nhân. Đáng lưu ý, có một số doanh nghiệp đã xây nhà lưu trú công nhân, như: Công ty Nissei Electric 1.520 chỗ ở; Palace 1.012 chỗ ở; Đức Bổn 416 chỗ ở. Tuy nhiên, các con số ấy vẫn còn rất khiêm tốn.

Những năm qua, để có chỗ nương thân, lực lượng lao động chỉ còn cách thuê nhà trọ bên ngoài. Hiện, TP.HCM có khoảng 60.470 cơ sở nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình với 560.219 phòng trọ đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân lao động thuê phòng trọ với giá thuê khoảng 800 nghìn cho đến 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà đã chiếm đến khoảng 20% thu nhập của công nhân lao động.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM, đối với công nhân ngành may mặc, thu nhập bình quân khoảng 6,8 triệu đồng/tháng, trong đó có đến 21% có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng; 40% có thu nhập 5 - 8 triệu đồng/tháng; 16% có thu nhập 8 - 12 đồng/tháng; chỉ có khoảng 3% có thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, có đến 41% công nhân lao động cho biết không đủ sống; 15,8% cho biết vừa đủ sống; 22,3% cho biết có dư chút ít và 21,9% cho biết có dư kha khá.

Như vậy, có đến khoảng 56,8% công nhân lao động có thu nhập rất thấp. Do đó, đa số công nhân chỉ có thể thuê phòng trọ với giá thuê khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng và chi phí thuê này đã chiếm khoảng trên dưới 20% tổng thu nhập. Khoảng 60% công nhân lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, phòng trọ để sau một thời gian 10 - 15 năm làm việc tích lũy được một số vốn rồi trở về quê.

Le lói những tia hy vọng mới

Hồi tháng 5/2022, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM có chỉ đạo về kết quả kiểm tra, rà soát và đề xuất chính sách hỗ trợ và quản lý đối với nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở do tổ chức hoặc hộ gia đình, cá nhân xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, khẩn trương hoàn thiện quy trình đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà chung cư mới thay thế chung cư cũ, nhà trên và ven kênh rạch trình UBND Thành phố xem xét, ban hành để triển khai thực hiện.

Hiện, TP.HCM có khoảng 60.470 cơ sở nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình với 560.219 phòng trọ đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân lao động. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Hiện, TP.HCM có khoảng 60.470 cơ sở nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình với 560.219 phòng trọ đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân lao động. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp diễn ra đầu tháng 8 năm nay, ông Phan Văn Mãi cho hay, thời gian qua TP.HCM đã tập trung triển khai chương trình nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, Thành phố sẽ cố gắng xây dựng khoảng 70.000 căn trong thời gian tới.

Một tín hiệu đáng mừng là, nhiều doanh nghiệp bất động sản gần đây đã đẩy mạnh định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền dành cho người lao động. Trong đó, Vingroup cam kết xây dựng 500.000 căn. Novaland sẽ đầu tư xây dựng 200.000 căn tại các tỉnh thành phía Nam và trọng tâm là TP.HCM. Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ xây dựng 150.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM và mở rộng ra các tỉnh thành lân cận.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, về giải pháp, trước hết nên bổ sung cơ chế chính sách “ưu đãi một phần” (có thể bằng phân nửa chính sách ưu đãi nhà ở xã hội) để phát triển “nhà ở giá phù hợp với thu nhập” của người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị theo đề xuất của Bộ Xây dựng.

Đồng thời, nên quy định đối với tất cả các dự án nhà ở thương mại, chủ đầu tư phải dành 20% đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 5 Điều 13, Khoản 2 Điều 16, Khoản 4 Điều 26 và Điều 56 Luật Nhà ở 2014.

Mặt khác, cần quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án, hoặc hoán đổi quota 20% quỹ nhà ở hoặc quỹ đất ở của dự án nhà ở thương mại bằng số lượng nhà ở xã hội tương đương tính theo căn hộ, hoặc diện tích sàn căn hộ, hoặc diện tích đất ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tại thời điểm hoán đổi để sử dụng làm nhà ở xã hội.

Ghi nhận ý kiến từ các chủ đầu tư và chuyên gia bất động sản, đa phần cho rằng, nếu chính sách cởi mở hơn, chắc chắn sẽ thu hút được sự hợp lực của nhiều doanh nghiệp giàu kinh nghiệm, năng lực và tâm huyết. Khi đó, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập sẽ sớm cải thiện, góp phần giải quyết bài toán an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tin cùng chuyên mục