TP.HCM “siết” nợ thuế, chống thất thu

(BĐT) - Cục Thuế TP.HCM đặt ra mục tiêu nợ thuế phải giảm ở mức thấp nhất, hạn chế phát sinh thêm nợ mới, đến ngày 31/12/2016 số nợ không vượt quá 5% so tổng thu ngân sách năm 2016. 
Số nợ thuế ở TP.HCM vẫn tăng cao do các doanh nghiệp có nợ thuế lớn, kéo dài. Ảnh: LTT
Số nợ thuế ở TP.HCM vẫn tăng cao do các doanh nghiệp có nợ thuế lớn, kéo dài. Ảnh: LTT

Dùng biện pháp mạnh

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Xuân Dương cho biết, trong năm 2016, với các doanh nghiệp (DN) có nợ thuế lớn, Cục Thuế của Thành phố sẽ tập trung rà soát, phối hợp với UBND các quận, huyện, các cơ quan chức năng để cưỡng chế những trường hợp cố tình chiếm dụng tiền thuế và các khoản thu liên quan đến đất.

Đối với nợ khó thu, nhất là các DN bỏ địa chỉ kinh doanh, theo ông Lê Xuân Dương, Cục Thuế TP.HCM sẽ rà soát, lập thông báo số tiền thuế nợ gửi về địa phương cư trú (công an, UBND phường, xã) của người đại diện pháp luật, thành viên góp vốn, chủ cơ sở, chủ DN tư nhân để phối hợp đôn đốc thu nợ. Mặt khác, Cục sẽ rà soát 100% các khoản nợ thuế, phân tích cụ thể từng khoản nợ thuế, thường xuyên đối chiếu nợ nhằm tránh nợ sai, nợ ảo…

Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, năm 2015, tổng số nợ thuế đã thu được là 23.428 tỷ đồng. Trong đó, thu nợ thuế năm 2014 chuyển sang là 12.996 tỷ đồng, thu nợ phát sinh năm 2015 là 10.432 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2015, số tiền nợ thuế có khả năng thu tạm kết theo Chương trình TMS (triển khai phần mềm quản lý thuế tập trung) - không bao gồm tiền thuế nợ đã nộp ngân sách nhà nước đang chờ điều chỉnh là 12.687 tỷ đồng, giảm hơn 18% (tương đương giảm 2.800 tỷ đồng so với năm 2014).

Số nợ thuế ở TP.HCM được đánh giá vẫn tăng cao do các DN có nợ thuế lớn, kéo dài. Đa số DN nợ thuế nhiều là những DN thuộc diện bị truy thu và phạt, nợ đến 90 ngày, nợ chờ xử lý. Khi Cục Thuế TP.HCM thực hiện biện pháp kê biên tài sản thì DN có giá trị tài sản không lớn hoặc không có tài sản để thực hiện biện pháp cưỡng chế hoặc bỏ khỏi địa điểm kinh doanh sau đó thành lập công ty khác. 

Tăng cường xử lý nợ, rà soát thuế đất

Thời gian qua, để tăng cường thu nợ thuế, Cục Thuế TP.HCM đã nhiều lần công khai “bêu tên” hàng trăm DN có số tiền nợ thuế lớn. Về phía Cục Hải quan TP.HCM, trong năm 2015 cũng công khai danh sách gần 90 DN nợ thuế gần 130 tỷ đồng. Với khoản nợ 908 tỷ đồng thuộc khoản nợ chưa đến 10 năm, phát sinh trước ngày 1/7/2013, Cục Hải quan TP.HCM chỉ đạo các chi cục tiếp tục tổ chức thu hồi nợ, thực hiện cưỡng chế thuế theo quy định. Thế nhưng các khoản này rất khó thu, bởi vì DN đã bỏ trốn, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. 

Để thu hồi được số nợ thuế của một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngừng hoạt động, bỏ trốn gần đây, Cục Hải quan TP.HCM đã phải làm việc với cơ quan ngoại giao đề nghị hỗ trợ truy tìm các giám đốc DN này để thu hồi nợ thuế.

Riêng Cục Thuế TP.HCM, để xử lý nợ hiệu quả, Phó Cục trưởng Lê Xuân Dương cho biết, sắp tới sẽ giao chỉ tiêu thu nợ cho từng phòng liên quan và từng chi cục thuế. Trên cơ sở đó, các đơn vị giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng đến từng đội thuế, từng cán bộ thuế được phân công. Nhất là sẽ tăng biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với các khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày theo quy định.

Theo chỉ đạo trước đây của UBND TP.HCM thì Cục Thuế, Cục Hải quan Thành phố cần đẩy mạnh công tác thu nợ, đến ngày 30/6/2016, Cục Thuế phải thu được 80% số nợ thuế có khả năng và Cục Hải quan phải thu 700 tỷ đồng tiền nợ thuế.

UBND TP.HCM cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính cùng Cục Thuế rà soát lại các quyết định giao đất, thuê đất. Nếu dự án nào cố tình chây ỳ, không nộp tiền sử dụng đất thì cưỡng chế theo luật định, thậm chí thu hồi quyết định giao đất, thuê đất.

Thời gian tới, Cục Thuế Thành phố cho biết, sẽ rà soát các khoản nợ thuế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và tiến hành các biện pháp đôn đốc để đưa số tiền thuế nợ này vào ngân sách nhà nước.                                                        

Tin cùng chuyên mục