Tình hình tuân thủ pháp luật chưa nghiêm ở TP.HCM ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Tiên Giang |
“Bản thân TP.HCM tuy là thành phố lớn nhất, đóng góp nhiều cho kinh tế cả nước, nhưng xét về tổ chức bộ máy để thực thi pháp luật cũng rất khó khăn. Cụ thể, chủ trương tinh giản biên chế đã gây nhiều cản trở cho nhiều cơ quan có nhu cầu bổ sung nhân sự”, Sở Tư pháp TP.HCM khẳng định.
Các đánh giá tại Hội nghị triển khai quy định mới trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2016 trên địa bàn TP.HCM vừa diễn ra cũng chỉ rõ mức độ tuân thủ pháp luật hiện nay vẫn còn thấp, chưa tương xứng với kết quả thu được trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật thời gian qua. Thực tế đó đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng, phát triển kinh tế, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với chính quyền, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Hội nghị cũng chỉ ra, nguyên nhân của tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm hình sự bao gồm các yếu tố khách quan và chủ quan như tác động của những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngoài ra, cần phải nhìn nhận tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ở một số nguyên nhân khác: có sự tiếp tay, thông đồng hoặc không thực hiện đúng chức trách của một bộ phận cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước cấp cơ sở và lực lượng chuyên trách ở một số lĩnh vực như: chống buôn lậu, quản lý tài nguyên khoáng sản, vận chuyển hành khách, bến bãi…
Theo các ý kiến tại Hội nghị, tình hình tuân thủ pháp luật chưa nghiêm từ cả hai phía, đặc biệt là từ phía cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, kinh doanh của TP.HCM thời gian qua.