Khu vực ngoài trung tâm đang được khách thuê nhắm đến ngày một nhiều. Ảnh: Ngô Ngãi |
Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng Bộ phận nghiên cứu - tư vấn TP.HCM của Savills Việt Nam, trong ngắn hạn, khách thuê sẽ chiếm ưu thế hơn trên thị trường. Các khách thuê sớm ra quyết định sẽ đàm phán được các điều khoản có lợi hơn. Tỷ lệ trống văn phòng cho thuê dự kiến sẽ gia tăng, tạo đòn bẩy cho việc giảm giá thuê.
Trong dài hạn, các doanh nghiệp có thể sẽ xem xét lại hoạt động của văn phòng và cân nhắc các khả năng như làm việc tại nhà, giảm diện tích thuê, thiết kế lại nơi làm việc linh hoạt hơn. Vì vậy, chủ đầu tư và khách thuê sẽ thảo luận các ưu đãi để đổi lấy thời hạn thuê dài hơn, hướng đến kết quả kinh doanh dài hạn và bền vững cho cả hai.
Nếu muốn áp dụng giảm giá thuê hoặc chiết khấu trong dài hạn, khách thuê cần xem xét cam kết thời hạn thuê dài hơn để đảm bảo công suất tòa nhà và chia sẻ rủi ro với chủ đầu tư. Hoạt động của các văn phòng đang được xem xét lại để đảm bảo duy trì hiệu suất làm việc.
Vẫn theo bà Trang, trong thời gian tới, văn phòng dịch vụ truyền thống sẽ phổ biến hơn và có thể cạnh tranh thị phần với không gian làm việc chung. Các nhà điều hành khách sạn đang có xu hướng chuyển đổi phòng khách sạn thành các văn phòng cho thuê. Mô hình này có thể kéo dài ít nhất 6 tháng khi các biên giới quốc gia vẫn đang bị đóng. Trong thời gian tới, các mô hình tương tự có thể sẽ tiếp tục xuất hiện.
Trong quý I/2020, chủ đầu tư các dự án tòa nhà văn phòng hạng C ở TP.HCM có xu hướng linh hoạt hơn trong việc giảm giá thuê và đàm phán các điều khoản phù hợp với cả hai bên. Trong khi đó, chủ đầu tư các tòa nhà hạng A và B gần như chưa có hành động nào.
Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại TP.HCM của Savills Việt Nam cho rằng, cơ cấu khách thuê đang dần thay đổi, từ không gian mở của các văn phòng chia sẻ đến các văn phòng dịch vụ, từ văn phòng dịch vụ đến các mô hình khách sạn, từ văn phòng hỗ trợ đến làm việc tại nhà. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xem xét lại nhu cầu để theo đuổi các mục tiêu kinh doanh.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận định, đến năm 2022, thị trường sẽ có thêm 360.000 m2 sàn, trong đó, 63% nằm tại khu vực ngoài trung tâm, phản ánh xu hướng dịch chuyển ra khỏi khu vực trung tâm sẽ tiếp diễn. Trong những tháng còn lại của năm 2020, dự kiến sẽ có thêm 16 dự án mới gia nhập thị trường, cung ứng hơn 160.000 m2.
Tuy nhiên, các dự án tương lai có thể bị trì hoãn hoặc chậm tiến độ bởi ảnh hưởng của Covid-19, các biện pháp cách ly có thể dẫn đến thiếu nguồn cung nguyên vật liệu và gián đoạn tiến độ xây dựng.
“Việc giảm giá thuê được kỳ vọng để cả chủ đầu tư và khách thuê có thể duy trì hoạt động một cách bền vững trong dài hạn. Các chủ đầu tư sẽ sẵn sàng giảm giá hoặc nhượng bộ trong các điều khoản thuê để thu hút và giữ chân khách thuê, đặc biệt là các ưu đãi để đổi lấy thời hạn thuê dài hơn”, ông Troy Griffiths chia sẻ.