Tranh cãi việc niêm yết giá vé trong lĩnh vực hàng không

(BĐT) - Đó là ý kiến của PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế về những “lùm xùm” trong câu chuyện niêm yết giá của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không mới đây.
Cách niêm yết giá của các hãng hàng không đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Internet
Cách niêm yết giá của các hãng hàng không đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Internet

Trong văn bản mới đây gửi Cục Hàng không (Bộ GTVT) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Vietnam Airlines kiến nghị các hãng bay khác niêm yết giá vé bao gồm thuế, phí theo quy định tại Khoản 3, Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giá.  

Theo ông Long, công luận có quyền nghi ngờ Vietnam Airlines thiếu công tâm, khách quan trong báo cáo với cơ quan chức năng về các hãng hàng không trên niêm yết giá không đúng quy định bởi vì chính hãng Jetstar Pacific - đơn vị mà Vietnam Airlines đang nắm quyền chi phối - cũng đang niêm yết giá vé không gồm thuế, phí.

Ông Long cho biết, hiện nay, trong lĩnh vực hàng không  ở Việt Nam và trên thế giới, có 2 hình thức niêm yết giá được sử dụng phổ biến là: Niêm yết tổng số tiền hành khách phải trả đã bao gồm thuế phí, dịch vụ (gross fare); Niêm yết giá gốc (net fare, chưa bao gồm thuế, phí) và thể hiện công khai minh bạch tiền thuế, các khoản dịch vụ và tổng tiền mà khách hàng phải trả trước khi quyết định mua.

Cả hai hình thức trên đều phù hợp với các quy định của Nghị định 177/NĐ-CP và thông lệ quốc tế. Vì vậy các hãng hàng không có thể lựa chọn hình thức niêm yết giá làm sao cho hành khách biết đươc số tiền phái thanh toán trước khi quyết định mua. Niêm yết gross fare thường được các hãng hàng không truyền thống sử dụng, ở Việt Nam có Vietnam Airline và Vassco niêm yết Gross Fare.

Các hãng hàng không chi phí thấp (giá rẻ) và thế hệ mới thì thường chọn niêm yết Net fare là mức giá thực chất mà các hãng hàng không được nhận, các khoản thuế phải trả cho nhà nước (như VAT), phí và dịch vụ trả cho bên thứ 3 (ví dụ phí sân bay trả cho sân bay) tuy tách riêng nhưng cũng được niêm yết khi khách hàng lựa chọn mức giá cụ thể (đề tính thuế, phí tương ứng).

“Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều hãng hàng không niêm yết Net fare. Tại châu Á, các hãng hàng không lớn như Air Asia, Tiger Air niêm yết Net fare. Tại Việt Nam, Jetstar Pacific, Bamboo Away và Vietjet cũng niêm yết Net fare. Dù chọn hình thức niêm yết nào các khoản thuế, phí và dịch vụ đều được thể hiện minh bạch trước khi khách hàng quyết định mua vé. Việc niêm yết giá chỉ vi phạm khi việc niêm yết giá nhằm các mục đích: Gây hiểu lầm cho khách hàng; trốn thuế và giá bán không đúng với giá đã công bố. Với cách niêm yết như trên không vi phạm”, ông Long nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết: “Các quy định về niêm yết giá, công khai thông tin về giá tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn nói chung đối với các hàng hóa, dịch vụ; pháp luật về quản lý giá dịch vụ hàng không là thống nhất. Theo đó, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ nói chung và dịch vụ hàng không nói riêng có trách nhiệm niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có). Việc niêm yết giá cần rõ ràng gắn với chất lượng dịch vụ, công khai và minh bạch tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng”.

Vị cục trưởng cho biết thêm, Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) đã và đang phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá hàng hóa, dịch vụ thuộc diện nhà nước quản lý giá (trong đó có việc chấp hành pháp luật về niêm yết giá).

Trong thời gian tới, Cục Quản lý giá sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan thuộc Bộ Giao thông giao thông vận tải nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục tăng cường vai trò quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hàng không để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục