Trong khi đó, theo thông tin do Ajinomoto Việt Nam cung cấp cho ĐTCK, Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng đã hủy việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Quyết định xử phạt hành chính Công ty Hà Trung Hậu số tiền 500 triệu đồng.
Việc tranh chấp nhãn hiệu hàng hóa giữa 2 công ty đã kéo dài từ năm 2015. Theo đó, tại thị trường Việt Nam, Công ty Ajnomoto đã cung cấp sản phẩm bột ngọt (mì chính) với nhãn hiệu Ajno - Moto. Khoảng 1 năm nay, Công ty Hà Trung Hậu tham gia vào thị trường bột ngọt, nhập khẩu và bán tại Việt Nam sản phẩm có nhãn hiệu Ajino - Takara.
Vì việc này Công ty Ajnomoto đã có đơn thư phản ánh, kiến nghị gửi Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng đề nghị kiểm tra, xử lý bột ngọt nhãn hiệu Ajino Takara của Công ty Hà Trung Hậu do nhận thấy nhãn hiệu Ajino - Takara giống và trùng lắp với nhãn hiệu Ajino - Moto đã được đăng ký bảo hộ độc quyền.
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã tiến hành giám định hai nhãn hiệu, kết quả cho thấy chỉ có 3 chữ tượng hình có sự tương tự, các yếu tố khác của nhãn hiệu đều khác nhau. Sau đó, Đội Quản lý thị trường số 8 (Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng) đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Từ đó, Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Hà Trung Hậu, số tiền 500 triệu đồng, “kịch khung” đối với mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp áp dụng đối với tổ chức.
Ngay sau khi quyết định xử phạt được ban hành, cho rằng cán bộ Đội Quản lý thị trường số 8 kiểm tra Công ty thiếu khách quan, Công ty Hà Trung Hậu đã có đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng đề nghị Tòa án hủy Quyết định kiểm tra số 0196707/QĐ-KT. Theo đơn khởi kiện, Công ty Hà Trung Hậu cho biết, trong Quyết định kiểm tra, nội dung ban đầu là kiểm tra hành chính (chứng nhận đăng ký kinh doanh), nhưng không kiểm tra nội dung đó mà lại kiểm tra nội dung xâm phạm quyền nhãn hiệu.
Đồng thời, Công ty Hà Trung Hậu cũng khởi kiện đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPHC của Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng, vì cho rằng Quyết định này sai về hình thức, trái quy định pháp luật về nội dung.
Trên cơ sở đề nghị của Công ty Hà Trung Hậu, Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm đình chỉ việc thi hành Quyết định xử phạt đối với Công ty Hà Trung Hậu.
Nhưng sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng đã có biên bản kiến nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Xét kiến nghị này, Tòa án Nhân dân TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và quyết định này có hiệu lực thi hành ngay. Như vậy, Quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Hà Trung Hậu vẫn có hiệu lực thi hành.
Đáng chú ý, khi giám định 2 nhãn hiệu Ajnomoto và Ajino Takara, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận các chi tiết của nhãn hiệu đều khác nhau, chỉ có chi tiết ba chữ tượng hình trên hai nhãn hiệu là có sự tương tự và theo giám định thì đây là những ký tự ngôn ngữ mà người Việt Nam không thể đọc được, không hiểu được, không nhớ được.
3 chữ Nhật này được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1985 và theo thông tin do Công ty Ajnomoto cung cấp thì đã được Cục Sở hữu trí tuệ gia hạn đến tháng 4/2025.
Tuy nhiên, phía Công ty Hà Trung Hậu đã có đơn phản đối việc gia hạn văn bằng vì cho rằng, nhãn hiệu được bảo hộ gồm 3 chữ tượng hình này không còn phù hợp với pháp luật hiện hành về sở hữu trí tuệ.
Lý do, đây là 3 chữ Nhật, là ký tự ngôn ngữ mà người Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ (không đọc được, không hiểu được, không nhớ được). Trong khi Điều 74.1 Luật Sở hữu trí tuệ quy định nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt, dễ nhận biết, dễ nhớ và không thuộc các ngôn ngữ không có khả năng phân biệt như chữ Ả - rập, chữ Nhật, chữ Thái, chữ Trung Quốc…
Ngoài ra, nhãn hiệu gồm 3 chữ tượng hình này cũng không được Công ty Ajinomoto sử dụng độc lập kể từ khi được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1985 đến nay.
Do đó, Công ty Hà Trung Hậu đã đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực của văn bằng 169.