Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ảnh: Nhã Chi |
Kết quả hạn chế
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa trình Chính phủ cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ DN phát triển tiếp tục được triển khai đồng bộ. Tính đến hết quý III/2018, 80% nhiệm vụ được giao đã hoàn thành. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho biết, các DN tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, thanh tra kiểm tra chuyên ngành, khó tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước...
Đồng tình với nhận xét này, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thẳng thắn chỉ ra vấn đề từ việc triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Theo ông Thạch, khi Luật mới được ban hành, cộng đồng DN kỳ vọng rất lớn vào những chính sách hỗ trợ thiết thực được đưa ra. “Tiếc rằng, đã hơn 8 tháng Luật có hiệu lực, quá trình triển khai còn chậm”, ông Thạch nói. Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận xét: “Triển khai hỗ trợ DNNVV là một quá trình đầy cố gắng, nhưng DN, nhất là DNNVV, vẫn gặp rất nhiều khó khăn”.
Nguyên nhân của thực trạng này, theo Bộ KH&ĐT, là do sự quan tâm và nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết 35 chưa đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc triển khai Nghị quyết chưa quyết liệt, hiệu quả; sự phối hợp trong triển khai chưa tốt. Cùng với đó là quá trình ban hành và thực thi chính sách chưa lấy DN làm đối tượng phục vụ, một bộ phận công chức có chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, thiếu thực tế, cứng nhắc trong vận dụng chính sách, vô cảm đối với các vấn đề gây tốn chi phí và thời gian của DN.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng không dấu được sự trăn trở khi Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN tư nhân còn thấp, chậm cải thiện.
Doanh nghiệp vẫn phải chờ…
Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại Hội nghị triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV diễn ra mới đây, hiện tại, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập DN dự kiến chưa đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật của Quốc hội năm 2018 - 2019. Do vậy, để có cơ sở xem xét miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với dự án đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung và chuỗi phân phối sản phẩm theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung các dự án vào Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Mặt khác, Bộ KH&ĐT đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và dự kiến trình Quốc hội thảo luận, thông qua vào quý III/2019. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được ban hành, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật, trong đó sẽ sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Do đó, ít nhất trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, các DNNVV sẽ chưa được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN, miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với dự án đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung và chuỗi phân phối sản phẩm theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV.
Bên cạnh chuyện chính sách chưa thể đi vào cuộc sống, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm rào cản đối với sự phát triển của DN cũng chưa thu được hiệu quả như mong đợi. Bởi thế, nhằm tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN, Bộ KH&ĐT đề xuất một loạt các giải pháp thúc đẩy DN phát triển. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, thực thi các chính sách hỗ trợ DN, không làm chậm chễ, cản trở các DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tạo sự minh bạch...