Triển vọng kinh tế tích cực nhưng thách thức vẫn hiện hữu

(BĐT) - Kinh tế 7 tháng năm 2019 được lãnh đạo Chính phủ đánh giá là có nhiều kết quả tích cực. Khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP và kiềm chế lạm phát đến lúc này được nhiều tổ chức trong và ngoài nước dự báo là có thể đạt được. 
Khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP và kiềm chế lạm phát được dự báo là có thể đạt được. Ảnh: Lê Tiên
Khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP và kiềm chế lạm phát được dự báo là có thể đạt được. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức mà sự chủ động ứng phó sớm là rất cần thiết.

Lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 1/8/2019, Thủ tướng Chính phủ nhận xét, qua 7 tháng, nền kinh tế tiếp tục có kết quả khả quan với nhiều tín hiệu vui.

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, dù diễn biến kinh tế thế giới trong 7 tháng năm 2019 tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, nhưng nhiều tổ chức quốc tế đang đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á công bố tháng 7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2019, và tiếp tục giữ nguyên dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 ở mức 6,8%.

Những dự báo của các tổ chức trong nước gần đây cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% và lạm phát dưới 4% trong năm nay là có thể đạt được, thậm chí đạt tốt hơn mục tiêu đề ra. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6,86%. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm lên 6,96%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, động lực tăng trưởng mạnh mẽ được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2019 nhờ chi phí lao động cạnh tranh, cấu trúc thương mại đa dạng và các hiệp định thương mại mới ký kết gần đây thúc đẩy cải cách nền kinh tế. Xuất nhập khẩu cũng nhận được nhiều thuận lợi từ các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do. Khu vực kinh tế tư nhân có sự phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách ưu đãi, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh... 

Lưu ý rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh những yếu tố tích cực, trong những tháng còn lại của năm 2019, theo Bộ KH&ĐT, nền kinh tế còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng của nền kinh tế. Một trong những rủi ro là nguy cơ lạm phát vẫn còn do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá dầu trên thế giới; tình hình thời tiết diễn biến xấu và dịch bệnh có thể làm tăng giá nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm; việc thực hiện lộ trình tăng giá với một số mặt hàng thiết yếu trong khi dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp.

Tại một hội thảo gần đây, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, việc gia tăng đều giá nhóm hàng giáo dục, giá lương thực, thực phẩm tăng do dịch tả lợn châu Phi cùng với giá nhiên liệu biến động bất ổn khiến lạm phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, Nhóm phân tích của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong báo cáo vĩ mô mới nhất nhận định, lạm phát dù vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ, nhưng rủi ro lớn nhất trong các tháng còn lại của năm nay nhiều khả năng sẽ đến từ nhóm hàng thịt lợn. Ngoài ra, xu hướng tăng của lạm phát lõi cũng khá rõ ràng, không tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ với quy mô lớn. Tuy vậy, BVSC vẫn duy trì dự báo lạm phát trung bình cả năm sẽ tăng quanh mức 3,5%, thậm chí trong kịch bản tích cực có thể sẽ còn tăng thấp hơn.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do bên cạnh việc mở ra cơ hội cũng tiềm ẩn cả những rủi ro, tác động tới kinh tế trong nước. Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc NCIF, giai đoạn chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa phải là hiện tại và sẽ rơi vào khoảng từ 2021 - 2022, thậm chí với Việt Nam có thể kéo dài tới năm 2023 với các tác động ở quy mô gia tăng đối với tăng trưởng GDP, đặc biệt là tác động tới xuất nhập khẩu dịch vụ và hàng hóa.

Theo Bộ KH&ĐT, cần tập trung các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt về vốn, công nghệ, thị trường và khả năng kết nối với doanh nghiệp FDI để đón đầu các hiệp định thương mại mới. Tập trung thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tránh tình trạng lợi dụng núp bóng đầu tư. Các chính sách liên quan đến lao động, chất lượng môi trường, sở hữu trí tuệ… cần được thay đổi nghiêm túc để đáp ứng những yêu cầu khi tham gia EVFTA…

TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị, Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt với bất ổn của kinh tế thế giới. Trong đó, lưu ý điều chỉnh tỷ giá linh hoạt; giữ lãi suất ổn định; hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đồng thời từng bước xây dựng “đệm tài khóa” thông qua tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.