Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018

(BĐT) - Năm 2017 khép lại với bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng. Những thành quả đạt được trong năm 2017 là nền tảng để kinh tế Việt Nam tiến nhanh trong năm 2018.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp đã gửi gắm kỳ vọng cũng như đưa ra những khuyến nghị để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cất cánh trong thời gian tới.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 ảnh 1
Thương hiệu quốc gia chính là động lực của sự tăng trưởng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Như chúng ta đã biết, nước ta vừa tổ chức thành công sự kiện Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Sự thành công của APEC đã đưa Việt Nam lên đỉnh cao mới, không chỉ  trực tiếp tham gia ở cấp độ toàn cầu, mà còn đóng góp, dẫn dắt cho những nỗ lực hội nhập chung. Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước cũng như doanh nghiệp trong việc định hướng các nội dung của APEC vừa rồi đã chứng minh rõ điều này.

Sau sự kiện APEC, thú thực tôi cũng như VCCI liên tục tiếp đón những đoàn doanh nghiệp ngoại quốc đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam lại trở thành điểm thu hút đầu tư toàn cầu như hiện nay. Trước đây, theo các phân tích, đánh giá, Việt Nam đứng vào khoảng thứ 16 trong các nền kinh tế có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư nhất. Tuy nhiên, năm nay, chúng ta được xếp vào hạng thứ 14. Riêng trong APEC, Việt Nam đang là một 1 trong 4 nền kinh tế có sức thu hút đầu tư hàng đầu, bên cạnh Trung Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia.

Cũng cần nói thêm, sự đánh giá đó có trước khi APEC diễn ra, chứ nếu đánh giá sau khi APEC đã thành công thì thứ hạng có thể sẽ cao hơn. Tôi cho rằng, những gì đã nói ở trên chính là các nhân tố tích cực, có sức lan tỏa và tác động cực mạnh đến tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 cũng như những năm tới, bởi thương hiệu quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế đã tăng lên rõ rệt.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 ảnh 2
Doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội

Số liệu về tăng trưởng kinh tế những năm gần đây cho thấy, năm 2017 là một năm kinh tế Việt Nam vẫn trên đà phát triển. Dự kiến, đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ này trong năm 2018.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao là một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư Nhật Bản. Khảo sát của JETRO cho thấy, doanh nghiệp Nhật Bản đang dành sự quan tâm đặc biệt cho thị trường Việt Nam. Với những dự báo lạc quan, chắc chắn các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy nhanh và đẩy mạnh công cuộc đầu tư sang Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2018.

Tuy nhiên, để trở thành địa điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết một số hạn chế liên quan đến vấn đề liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giảm chi phí cho doanh nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong quá trình này, JETRO sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ cùng Chính phủ Việt Nam.

Về liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, JETRO đang triển khai chương trình cung cấp thông tin về các nhà đầu tư Nhật Bản cho các doanh nghiệp Việt Nam từ hình thức, lĩnh vực hoạt động cho đến cách thức vận hành nhà máy… Ngoài ra, JETRO tổ chức các buổi kết nối doanh nghiệp hai nước để họ có thể gặp gỡ, tìm hiểu và trao đổi thông tin.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 ảnh 3
Những nỗ lực của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018

Ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều yếu tố thuận lợi, kinh tế Việt Nam trong năm 2018 nhiều khả năng càng khởi sắc. Những nỗ lực từ phía Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 cũng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được ký kết và thực hiện được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Kết hợp những yếu tố thuận lợi nêu trên sẽ tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện. Thu hút FDI và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ được hưởng lợi nhờ triển vọng kinh tế lạc quan cũng như quan hệ hợp tác của Việt Nam và các nước khác trên thế giới được cải thiện. Tăng trưởng tiêu dùng dự báo vẫn được duy trì như năm 2017. Nhu cầu của thị trường việc làm Việt Nam sẽ tăng cao khi kinh tế thế giới và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước phục hồi.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 ảnh 4
Tinh thần khởi nghiệp đang trào dâng

Ông Đỗ Văn Vẻ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Bình

Năm 2017, tinh thần khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam trào dâng với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể so với con số kỷ lục của năm 2016.

Năm 2018, kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục biến đổi theo các trục xoay từ xu hướng lan tỏa của cách mạng công nghệp lần thứ 4. Theo đó, sẽ chuyển hướng sang sản xuất tự động hóa, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để tăng năng suất lao động; thành tựu khoa học công nghệ sẽ tiếp tục được ứng dụng rộng rãi. Cùng với đó, Chính phủ cam kết tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; giảm các rào cản cho doanh nghiệp; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều chính sách hỗ trợ sẽ có hiệu lực; làn sóng khởi nghiệp dâng cao… Với những “bệ phóng” này, chắc chắn triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ lạc quan. Doanh nghiệp không chỉ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào những ngành hàng trọng điểm trong nước mà tiếp tục vươn rộng ra nước ngoài.

Dù vậy, trên thực tế, doanh nghiệp vẫn còn một số trở ngại, khó khăn từ cơ chế chính sách. Thời gian tới, Chính phủ cần rà soát lại các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế, trường hợp không phù hợp cần sửa đổi, bổ sung. Đơn cử như Luật Đất đai, hiện nay đang vướng về sở hữu, giải phóng mặt bằng… cần được tháo gỡ. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 ảnh 5

Ngân hàng sẽ tối ưu hóa nguồn lực trong năm 2018

TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM

Trong năm 2018, các ngân hàng sẽ tập trung phát triển tốt hơn, tối ưu hóa nguồn lực của mình thay vì chỉ phụ thuộc vào nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực tài chính từ nước ngoài đổ vào.

Cụ thể, sau 4 tháng triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại thực hiện rất tốt quyền thu giữ tài sản đối với những nợ xấu mà tài sản bảo đảm là bất động sản. Dự kiến trong năm 2018, hoạt động này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa, giúp hệ thống ngân hàng khi xử lý xong nợ xấu thì có thể hoàn nhập dự phòng, làm lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017.

Lãi suất của các ngân hàng thương mại trong năm 2017 đã tương đối tốt, song dự kiến còn tốt hơn nữa trong năm 2018. Dự báo lãi suất thấp hơn nữa sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận tín dụng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Cùng với đó, ngày 15/1/2018, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới. Trong đó, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với việc thay đổi cách thức điều hành, quản trị sẽ là hành lang pháp lý cho Nghị quyết 42 đi vào thực tiễn hơn nữa. Mặt khác, quy định cho phép phá sản ngân hàng với việc có 5 hình thức xử lý pháp nhân khi hoạt động yếu kém sẽ là tiếng chuông báo động cho những ngân hàng trước giờ phụ thuộc vào sự bao bọc của Nhà nước phải có ý thức nâng cao hiệu quả hoạt động.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 ảnh 6
Tiếp tục tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh

Ông Nguyễn Chí Hưng, Giám đốc Công ty TNHH LET’S Việt Nam

Nhìn về năm 2018, hiện nhiều dự báo đưa ra khá lạc quan. Tuy nhiên, năm 2018, doanh nghiệp vẫn có những khó khăn, chẳng hạn như giá điện vừa tăng khiến giá đầu vào của ngành sản xuất tăng theo, ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của người tiêu dùng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đối với thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam, năm 2018 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn. Theo một số chuyên gia, nhiều khả năng các doanh nghiệp vật liệu Trung Quốc có hẳn một kế hoạch “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam trong năm 2018. Họ được hưởng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi từ chính quốc cũng như đất nước họ đến đầu tư. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước còn không ít khó khăn, cộng thêm áp lực cạnh tranh khá lớn từ các đối thủ ngoại sẽ bị ảnh hưởng lớn, nhất là đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tháo gỡ khó khăn này, tôi đề nghị các cấp, bộ ngành thật sự quan tâm đến đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đội ngũ này đóng góp lớn cho tăng trưởng, ngân sách Nhà nước nhưng vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận các cơ hội, chính sách hỗ trợ, nhất là vấn đề tài chính. Đặc biệt, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia các dự án mua sắm công, các bên liên quan cần tổ chức lựa chọn nhà thầu một cách công khai, minh bạch. Doanh nghiệp phải được cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, tránh chuyện “sân trước, sân sau” ở các gói thầu/dự án.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 ảnh 7
Tín hiệu tích cực cho môi trường minh bạch và thượng tôn pháp luật

TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT)

Thời gian qua, việc đưa hàng loạt vụ án kinh tế lớn, các cá nhân liên quan ra ánh sáng… cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đã được hiện thực hóa; kỷ cương, phép nước được đặt lên hàng đầu, tinh thần thượng tôn pháp luật trở thành động lực để tất cả các cơ quan chính quyền và toàn dân cùng vào cuộc phòng, chống tham nhũng. Nhờ đó, lấy lại lòng tin của người dân, doanh nghiệp về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ. Đó chính là những tín hiệu tích cực, tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam “vận hành” đúng quỹ đạo, khởi sắc trong năm 2018.

Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức “không có vùng cấm” của Đảng và Nhà nước đã tạo nên tính răn đe, có tác dụng phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ yên tâm sản xuất, kinh doanh trong một môi trường đầu tư tích cực, tôn trọng kỷ cương phép nước, các hoạt động thương mại - đầu tư sẽ dần đi vào nề nếp, khuôn phép. Với những động thái quyết liệt từ phía Đảng, Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng 2018 sẽ là năm bản lề để chứng kiến sự chấn chỉnh và đưa vào khuôn khổ pháp luật các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2018 ảnh 8
Kỳ vọng vào bộ máy nhà nước “trên nóng - dưới nóng”

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4

Năm 2018 là năm thứ 3 trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, bộ máy nhà nước từ Trung ương tới địa phương đã ổn định, đây là thời gian vàng để hiện thực hóa mọi chủ trương, chính sách về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Khi chủ trương cải cách thủ tục hành chính mới được khởi xướng, đâu đó vẫn còn tình trạng “trên nóng - dưới lạnh”, nhưng doanh nghiệp tin tưởng năm 2018 sẽ chứng kiến một bộ máy nhà nước thống nhất và thấm nhuần quan điểm “trên nóng - dưới nóng” để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tạo niềm tin để doanh nghiệp yên tâm sản xuất và mạnh dạn đầu tư, kinh doanh. Trong bối cảnh hợp tác toàn cầu được mở rộng, vai trò dẫn dắt, chỉ đạo, hỗ trợ và định hướng của Chính phủ là hết sức quan trọng đối với chiến lược kinh doanh, phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Hơn nữa, Luật Quy hoạch vừa được thông qua cũng sẽ có hiệu lực trong năm 2018. Điều này cũng sẽ góp phần củng cố và tạo niềm tin cho doanh nghiệp trong việc yên tâm thực hiện và đầu tư vào các dự án có tính dài hạn mà không lo bị chồng chéo, điều chỉnh quy hoạch như trước đây.