Doanh nghiệp muốn hội nhập được thì phải chơi cùng một luật chơi. Ảnh: Hoài Nam |
Làm thế nào để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức và biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh còn những khoảng cách giữa thể chế trong nước và các quy định tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang và sẽ tham gia?
Báo Đấu thầu giới thiệu các nhận định và chia sẻ từ các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và các doanh nhân về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016.
Dành nhiều niềm tin cho doanh nghiệp khi đổi mới
Tôi tin rằng, chúng ta đang ở thời kỳ mà doanh nghiệp có vai trò vô cùng to lớn đối với phát triển kinh tế, hội nhập và đưa Việt Nam lên vị thế mới.
Các cơ hội đến từ những cải cách, mở cửa, chính sách đổi mới và hội nhập với các nền kinh tế lớn đã giúp trui rèn một thế hệ doanh nghiệp xông pha, tự tin, biết tìm kiếm và làm chủ thông tin để có thể kiến tạo nên cơ hội cho chính mình, cho cả ngành sản xuất trong nước.
Với quan điểm cá nhân, tôi luôn có niềm tin mãnh liệt vào đội ngũ doanh nghiệp đã và đang tạo dựng thương hiệu Việt trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Hãy có con mắt lạc quan, dành nhiều kỳ vọng, và tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt trong bối cảnh đổi mới này. Đây sẽ là dư địa tốt nhất để doanh nghiệp Việt tự khẳng định mình với thị trường. Đây cũng là thời điểm mà Việt Nam hoàn toàn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, đầu tư, tạo ra công việc, thu nhập, giúp Việt Nam sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bền vững.
Hoạt động kinh doanh phải được pháp luật bảo vệ một cách chắc chắn
Doanh nghiệp muốn hội nhập được thì phải chơi cùng một luật chơi. Đi vào sân chơi như thế, bản thân thể chế kinh tế trong nước cũng phải được cải cách, thay đổi theo hướng “thị trường, thị trường, thị trường hơn”, “tự do, tự do, tự do hơn”, “thuận lợi, thuận lợi, thuận lợi hơn” cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoạt động kinh doanh phải được pháp luật bảo vệ một cách chắc chắn, từ đó tài sản mới được bảo vệ và tin rằng mình làm tốt thì mình sẽ thắng, từ đó thúc đẩy họ cạnh tranh. Thách thức của Việt Nam trong thời gian tới chính là khoảng cách giữa thể chế trong nước và các thể chế được tạo ra bởi các hiệp định thương mại tự do.
Nếu không đẩy nhanh cải cách thì những thách thức khác như sự yếu kém về năng lực cạnh tranh, yếu kém của doanh nghiệp… sẽ không thể khắc phục được, đã kém lại còn kém hơn. Nếu chúng ta thay đổi được như vậy, chúng ta lại biến chính thách thức thành cơ hội.
Không nên kêu ca, phàn nàn là chúng ta có nhiều điểm yếu, mà hãy biến những điểm yếu thành điểm mạnh, biến những thách thức từ FTA thành cơ hội. Sức ép của hội nhập giúp chúng ta thay đổi một cách toàn diện, lột xác ngành sản xuất trong nước bằng cách tổ chức lại sản xuất, với những mô hình như chăn nuôi bò sữa, mía đường, cánh đồng mẫu lớn…
Nói đến hội nhập là nói đến tâm thế chuẩn bị sẵn sàng với các cuộc chơi
Năm 2016 là năm mở ra nhiều cơ hội hội nhập sâu rộng để doanh nghiệp trong nước có thể phát triển và tăng trưởng thêm. Trong bối cảnh hội nhập, Tập đoàn TH Truemilk đã có những bước chuẩn bị từ trước chứ không phải là chờ tới bây giờ. Việc xây dựng thương hiệu bền vững, để có thể cạnh tranh được với những thương hiệu nước ngoài là mục tiêu đầu tiên của chúng tôi.
Bằng chứng là trong những năm qua, thương hiệu, quy mô đầu tư và sự chiếm lĩnh thị trường của Tập đoàn tăng nhanh. Bởi khi hội nhập, vấn đề thương hiệu, sản phẩm là yếu tố quyết định để cạnh tranh trên thị trường, chứ không thể làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”, chụp giật như một số doanh nghiệp đang làm.
Để cạnh tranh được với đối thủ nước ngoài, doanh nghiệp Việt phải xác định rõ ràng mục tiêu một cách bài bản, chuyên nghiệp và đầu tư xây dựng thương hiệu, sản phẩm theo hướng phát triển bền vững. Khi nói đến hội nhập là nói đến tâm thế chuẩn bị sẵn sàng với các cuộc chơi, chấp nhận cạnh tranh bình đẳng, không nên sợ hãi, bởi mình phải tin vào nội lực và sự cạnh tranh của doanh nghiệp mình trên thị trường.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Ảnh: Nhã Chi
Cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tự chuyển đổi đang rất lớn
“Số liệu của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI Chi nhánh TP.HCM) cho biết, tỷ trọng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng. Khu vực phi chính thức lớn. Số lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 1,96%.
Tỷ lệ doanh nghiệp lớn cũng chỉ chiếm 2,25%. Đây là những con số nói lên rất nhiều điều. Điều đầu tiên chúng tôi quan tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tỷ lệ gần như tuyệt đối trong các thành phần kinh tế, sẽ và phải chuẩn bị những gì để tạo ra dư địa mới cho sự phát triển của kinh tế đất nước? Vừa và nhỏ thường đi kèm với yếu và thiếu. Nhưng đó là cách nhìn nhận đã cũ và thiên kiến.
Nếu một nền kinh tế có đến hơn 95% số doanh nghiệp là vừa và nhỏ, nhưng vẫn có thể ghi danh trên bản đồ kinh tế toàn cầu với những sản phẩm chủ lực, tạo ra khối lượng công việc khổng lồ, thì chính những doanh nghiệp nhỏ và vừa này mới là động lực để tiếp tục chính sách đổi mới, cải cách trong điều hành kinh tế vĩ mô. Chính vì vừa và nhỏ, điều chúng ta đặc biệt quan tâm chính là tính liên kết để tạo sức mạnh cạnh tranh với các ông lớn khác trên thế giới”.
TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Lòng tin góp phần vào sự thành công của chính sách quốc gia
Trong năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng tích cực với sự thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước pháp quyền.
Lòng tin phản ánh hiệu lực, hiệu quả và góp phần vào sự thành công của chính sách quốc gia. Giữ vững, củng cố và khai thác động lực lòng tin ngày càng trở thành định hướng và nhiệm vụ thường xuyên, nhất quán, mạnh mẽ; đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho quá trình cải cách và phát triển đất nước và DN.
Vấn đề chỉ còn là thực thi thể chế
Sáng nhưng chưa sáng lắm đâu, chúng ta còn phải cố gắng nhiều để khắc phục những thách thức, khó khăn và biến chúng thành cơ hội. Do đó, bên cạnh thể chế phải tốt lên thì DN cũng phải gồng lên, trước hết phải có chiến lược kinh doanh, tinh thần kinh doanh tử tế, tiếp cận thị trường, tìm được công nghệ, khả năng quản lý, nhân lực cho tốt hơn. Nhà nước tạo điều kiện, tạo bệ đỡ nhưng DN phải tự gồng lên để tốt hơn.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ năng lực, phải giúp các DN này liên kết với nhau, những DN có quy mô trung và lớn thì tạo sự công bằng hơn trong kinh doanh với các DNNN và khu vực FDI. Những điều đó chúng ta đang làm trong suốt năm 2015 và sẽ còn tiếp tục trong năm 2016. Năm 2015 được đánh giá là một trong những năm thắng lợi quan trọng về thể chế, chuyển đổi mạnh về thể chế, xây dựng thể chế, vấn đề chỉ còn là thực thi thể chế.