Triển vọng lạc quan về phát triển của DNNVV

(BĐT) - Dù còn nhiều khó khăn, nhưng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với tinh thần kinh doanh hứng khởi đã góp phần tiếp sức cho nền kinh tế đạt được một năm nhiều thành công. 
Môi trường kinh doanh tốt hơn tạo đà để kinh tế năm 2019 sẽ tiếp tục cải thiện. Ảnh: Lê Tiên
Môi trường kinh doanh tốt hơn tạo đà để kinh tế năm 2019 sẽ tiếp tục cải thiện. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2019, sẽ có nhiều thách thức cùng nhiều cơ hội rộng mở, nhưng dự cảm chung của nhiều doanh nghiệp (DN) là sẽ tiếp tục có một năm phát triển, theo đà cải thiện từ 3 năm qua. Đại diện cho cộng đồng DNNVV Việt Nam, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã có nhiều chia sẻ với Báo Đấu thầu xung quanh câu chuyện này.

Thưa ông, năm 2018 tiếp tục cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD). Lắng nghe tiếng nói của DN, ông đánh giá thế nào về chuyển biến trong thực tế của MTKD năm qua?

Đã có rất nhiều tổng kết về MTKD, ai cũng nói là tốt hơn, từ mọi chủ thể khác nhau trong xã hội, có người khen nhiều chê ít, có người khen ít chê nhiều, nhưng tựu chung lại trong năm 2018 mọi người đều nhận thấy có sự tiến bộ. Đó là sự thực và là một kết quả hết sức tích cực.

Bởi lẽ để làm cho MTKD tốt lên trong bối cảnh Việt Nam có quá nhiều những vấn đề tồn tại của những năm trước, nói thì dễ nhưng làm không hề đơn giản. Để có được kết quả với sự tiến triển theo cả quá trình, năm 2017 tốt hơn năm 2016, năm 2018 tốt hơn năm 2017, duy trì được đà cải thiện liên tục, đòi hỏi phải có sự chuyển động mạnh mẽ, rộng khắp từ trên xuống dưới. Chính phủ đã nỗ lực bằng cả những thay đổi chính sách, bằng quyết tâm, ý chí và đặc biệt bằng hành động. Năm 2018, Chính phủ đã tập trung nhiều đến hành động, đẩy mạnh thực thi chính sách.

Điều tôi ấn tượng là hành động của Chính phủ đã tạo áp lực mạnh mẽ tới các bộ, ngành, địa phương, để cả bộ máy cùng chuyển biến. Công tác truyền thông, công khai cho xã hội, cơ quan báo chí về từng bộ, ngành, địa phương cụ thể triển khai các hoạt động được giao cũng tạo áp lực, phá vỡ độ ì.

3 việc rất lớn mà Chính phủ đã làm mạnh trong năm 2018 là giảm chi phí cho DN, cắt các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, và từng bước áp dụng công nghệ thông tin trong  hoạt động hành chính công, cung cấp dịch vụ công.

Trong kết quả điều hành chung, tôi đánh giá rất cao Bộ KH&ĐT với tư cách là cơ quan tổng tham mưu cho Chính phủ trong năm 2018 đã có nhiều đóng góp. Đối với chính sách về MTKD, DN, Bộ đã thiết kế được những văn bản pháp quy rất quan trọng để tạo nền tảng trong thực thi.

Cộng đồng DN cũng cảm nhận rõ được quyết tâm của Chính phủ, cũng đã có một năm kinh doanh hứng khởi, cũng đã thấy giảm được phần nào gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, vẫn rất mong mỏi Chính phủ tập trung hơn nữa vào việc giảm chi phí cho DN, đặc biệt là chi phí không chính thức.

Việc cắt giảm thủ tục hành chính thực chất là làm giảm bớt đi quyền lực nhóm ngành. Tôi thấy phần lớn thực hiện tốt, nhưng cũng có một số đơn vị cắt giảm một cách hình thức, theo kiểu sửa chữ, sửa văn, còn nội hàm, bản chất thì không thay đổi, thậm chí chỉ sửa vài ba chữ trong một văn bản cũng gọi là cắt giảm.

Không phải bỗng dưng mà Chính phủ nói là “trên nóng dưới lạnh”, rõ ràng lãnh đạo Chính phủ quyết tâm rất cao, nhưng ở phía cơ sở thì cứ “lạnh” dần đi. Và DN vẫn còn chưa hài lòng với cung cách phục vụ của các cơ quan hành chính. Ở khâu thực thi công vụ vẫn còn vòi vĩnh, làm khó DN. Điều đó làm cho DN rất mệt mỏi, giảm hứng khởi kinh doanh.

Hai là dù Chính phủ yêu cầu 1 năm chỉ được 1 đoàn kiểm tra DN, nhưng nhiều cấp cơ sở vẫn còn tổ chức thanh tra, kiểm tra dưới các dạng thức biến tướng, không có quyết định thanh, kiểm tra, nhưng đến DN theo kiểu “hỏi thăm”. DN phản ánh các cuộc “hỏi thăm” như vậy diễn ra rất nhiều.

DN kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn rất thực tế này.

Triển vọng lạc quan về phát triển của DNNVV ảnh 1
Ông Tô Hoài Nam
Về triển vọng kinh doanh năm 2019, theo ông, khu vực DNNVV sẽ đứng trước những cơ hội và thách thức lớn nào?

Năm 2019 tôi nghĩ sẽ là một năm tiếp tục có sự tăng trưởng tốt đối với nền kinh tế. Môi trường kinh doanh năm sau tốt hơn năm trước, là cái đà để năm 2019 sẽ tiếp tục cải thiện, những chính sách đề ra đi vào thực tế phát huy hiệu quả rõ nét hơn. Ngoài ra, nền tảng hạ tầng giao thông, logistics ngày càng tốt hơn sẽ có tác động tốt đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa; tỷ giá, môi trường vĩ mô ổn định… sẽ tiếp tục tạo ra một MTKD tốt cho DN. Triển vọng phát triển của khu vực DNNVV năm 2019 tôi cho rằng sẽ tốt hơn.

Việc Việt Nam tham gia thêm một số hiệp định thương mại lớn có thể tạo ra môi trường thuận lợi, giúp DN tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới. Nếu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được ký trong năm 2019 sẽ mở ra những cơ hội rất thuận lợi cho hàng Việt chất lượng cao xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam muốn đáp ứng được phải đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu, từ đó sẽ nâng cao nền tảng sản xuất. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng rất có lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Vì xuất khẩu vào các thị trường này, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều hàng hóa trùng nhau nhưng Trung Quốc không tham gia CPTPP.

Các thị trường đó không xa lạ với DN Việt Nam. Các hiệp định phá rào cản thuế quan sẽ giúp hàng Việt Nam tăng cạnh tranh.

Muốn cạnh tranh, chủ động nắm bắt cơ hội, ngay lúc này DN cần phải có chiến lược kinh doanh, marketing bài bản, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính. DN Việt Nam vẫn còn rất yếu về 3 mặt này.

Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ thiết thực, cụ thể để giúp DNNVV đổi mới công nghệ, giúp DN có thông tin, hiểu biết về các thị trường xuất khẩu trong các hiệp định, về mặt hàng lợi thế...

Quan trọng nhất, theo tôi, vẫn là DN phải thay đổi lề thói “nước đến chân mới nhảy”. Thói quen này có ở phần lớn các DN nhỏ và cận dưới vừa, sẽ làm cho DN bị động, tuột qua cơ hội có thể tranh thủ được, và đây là thực tế rất đáng lưu ý. 

Để tiếp tục phát triển khu vực tư nhân, trong đó phần lớn là DNNVV, tương xứng với vai trò “động lực quan trọng” mà mới đây được Thủ tướng nhấn mạnh là “đột phá chiến lược mới”, theo ông, cần chú trọng những giải pháp chính sách gì?

Về mặt chính sách định hướng phát triển DNNVV hiện nay, theo tôi, đã đầy đủ, phải tiếp tục triển khai thực thi.

Đầu tiên phải thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đặc biệt chú trọng việc không phân biệt đối xử giữa các loại hình sở hữu, không phân biệt là sở hữu của Nhà nước hay của tư nhân, mà chỉ cần nhìn vào kết quả, đóng góp của DN.

Thứ hai, phải giải quyết được quyền về tài sản cho tư nhân, không giải quyết được điều này thì họ không thể đẩy mạnh đầu tư. Lĩnh vực nông nghiệp chẳng hạn, là một thế mạnh của đất nước, phải cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn…

Thứ ba, phải đảm bảo chuẩn mực của các phiên tòa để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN, không được hình sự hóa các vấn đề kinh tế. Cải cách tư pháp hô hào vậy thôi nhưng chuẩn mực của phiên tòa chưa đạt. DN phải được pháp luật bảo vệ chứ không phải bằng con đường hành chính, bằng quan hệ. Khi DN cảm thấy được pháp luật bảo vệ thì mới dám làm ăn và làm ăn một cách chân chính.

Với việc Thủ tướng Chính phủ thông tin tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam mới đây sẽ là bổ sung khu vực kinh tế tư nhân là đột phá chiến lược mới, tôi hiểu rằng đó là phát biểu từ góc độ người đứng đầu cơ quan hành pháp, Chính phủ sẽ có những chiến lược cụ thể, với mục tiêu rõ ràng về phát triển khu vực tư nhân. Nếu đúng như vậy, khu vực DN tư nhân sẽ có nhiều thuận lợi hơn để phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.       

Tin cùng chuyên mục