Triển vọng lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế tháng 11 có nhiều khởi sắc rõ nét, tiếp tục khẳng định ý nghĩa quan trọng, sự đúng hướng, kịp thời, hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào khả năng phục hồi, phát triển kinh tế. Triển vọng lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2022 rõ ràng hơn, song thách thức, nhiệm vụ đặt ra cũng nặng nề hơn rất nhiều.
Thị trường lao động phục hồi rất nhanh, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động hết công suất. Ảnh: Lê Tiên
Thị trường lao động phục hồi rất nhanh, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động hết công suất. Ảnh: Lê Tiên

Kinh tế bước vào quỹ đạo phục hồi

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; nền kinh tế bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; hầu hết các ngành, lĩnh vực tăng trưởng trở lại. Tổng thể cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) trong 11 tháng có thặng dư, ước tính cả năm bội chi NSNN thực hiện dưới 4% GDP. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, năng suất, sản lượng tăng khá. Sản xuất công nghiệp phục hồi tại hầu hết các địa phương, nhất là khu vực phía Nam.

Đặc biệt, việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã có tác động tích cực tới tinh thần khởi nghiệp. Tháng 11 là tháng có số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường cao nhất kể từ tháng 4/2021.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021 diễn ra ngày 2/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm một số kết quả đạt được như: kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, thu đủ chi, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đạt gần 600 tỷ USD, xuất siêu trở lại, các nhu cầu về năng lượng, lương thực, thực phẩm được đáp ứng đầy đủ, thị trường lao động từng bước phục hồi rất nhanh. Cùng với đó, một số vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm đã được giải quyết dứt điểm như đưa Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý nhiều dự án thua lỗ, tổ chức tín dụng yếu kém… Việc giải ngân cho an sinh xã hội theo Nghị quyết 68/NQ-CP đạt 29 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra trước đó (26 nghìn tỷ đồng), đây là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị.

Có cơ sở lấy lại đà tăng trưởng

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực hơn về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Chỉ số môi trường kinh doanh EuroCham (BCI) quý III/2021 tăng 18,3 điểm phần trăm từ mức thấp kỷ lục được ghi nhận trong tháng 9/2021. Mặc dù vẫn chưa cao nhưng BCI đã ghi nhận những cải thiện về triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Tại Báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam” tháng 11/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, những diễn biến tích cực cho thấy tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới. Các can thiệp về chính sách tài khóa sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, WB lưu ý lạm phát cần được theo dõi vì nhu cầu trong nước phục hồi trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng có thể gây ra áp lực tăng giá. Sức khỏe khu vực tài chính cũng cần được giám sát chặt chẽ.

Bộ KH&ĐT nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; giải ngân đầu tư công chậm; hoạt động của khu vực doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thu chi ngân sách nhà nước đối diện với nhiều thách thức. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế bị chậm lại, nguy cơ nợ xấu tăng cao, điều hành kiểm soát lạm phát khó khăn hơn rất nhiều…

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phải nắm chắc, bám sát thực tiễn, dự báo tốt tình hình, nhất là diễn biến dịch bệnh; kiên trì thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thủ tướng đặc biệt lưu ý nhiệm vụ tiêm vaccine. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội…

Về giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, môi trường, phát triển hợp lý, cân bằng giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phù hợp với tình hình, bối cảnh mới; ưu tiên hoàn thiện thể chế; tìm ra động lực phát triển mới...

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, theo kịch bản của Bộ KH&ĐT, nếu làm tốt Đề án phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng 6% năm 2022 và cao hơn trong năm 2023. Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, có nhiều cơ sở để tin tưởng vào sự hồi phục, tăng trưởng trở lại trong năm 2022. Đó là dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng nền tảng của nền kinh tế vẫn giữ được, vĩ mô cơ bản ổn định, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đó là quyết tâm của cả hệ thống trong chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế. Và từ quyết tâm có giải pháp phù hợp, ngoài các giải pháp đặt ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, có thêm các giải pháp phục hồi được nhận định là hợp lý và sẽ có tác dụng cho nền kinh tế. Khu vực doanh nghiệp cũng vững niềm tin, nhanh chóng quay trở lại hoạt động hết công suất ngay sau khi Nghị quyết 128 được ban hành.

Tin cùng chuyên mục